Tham quan Dinh Độc Lập, một ngày đẹp trời
Dinh Độc Lập hay còn gọi là Dinh Thống Nhất được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia hạng đặc biệt. Sống ở Sài Gòn hơn 7 năm, cũng đã đi ngang qua đây hàng trăm lần, nhưng đây là lần đầu mình vào tham quan Dinh Độc Lập.
Mục lục
- Lộ trình tham quan Dinh Độc Lập
- Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập, hơn cả một di tích lịch sử
- Vài lưu ý nhỏ cho chuyến tham quan Dinh Độc Lập lần đầu
Một ngày cuối năm, thời tiết Sài Gòn se se lạnh, mình quyết định đi thăm quan Dinh Độc Lập cho biết. Vượt qua sự mong đợi, chuyến tham quan Dinh mang đến cho mình nhiều cảm xúc.
Lộ trình tham quan Dinh Độc Lập
Đầu tiên, khi lên kế hoạch cho chuyến đi, bạn cần biết được thời gian bán vé và giờ tham quan Dinh Độc Lập:
-
Từ thứ 2 đến thứ 6: Từ 8h00 đến 12h00 và tham quan đến 13h00.
-
Thứ 7 và Chủ Nhật: Từ 8h00 đến 16h00.
Giá vé vào Dinh Độc Lập 2021: 40.000đ/ người lớn. Nếu tham quan thêm nhà trưng bày, bạn cần mua thêm vé 25.000đ nữa. Mình muốn đi cả hai nên tổng vé vào cửa của mình là 65.000đ. Có thẻ sinh viên được giảm giá nên nếu có hãy mang theo nhé!
Nhân viên bán vé sẽ hỏi bạn thẻ sinh viên và bạn có muốn tham quan thêm Nhà Trưng Bày hay không.
Sau khi vào cổng chính trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, bạn cần chú ý quan sát các biển hiệu chỉ hướng đi để không bị lạc. Đi theo hướng tay phải, bạn sẽ thấy hai chiếc xe tăng của quân giải phóng vào ngày 30/04/1975. Tiếp theo, bạn tiến vào sảnh chính của Dinh Độc Lập.
Hãy chú ý biển chỉ dẫn tại trong khu vực Dinh
Xe tăng gắn liền với lịch sử Dinh Độc Lập được trưng bày.
Theo tài liệu của Cục Di Sản, tòa Dinh chính có “chiều cao 26m, được xây dựng trên diện tích 4.500m², diện tích sử dụng là 20.000m², gồm 3 tầng chính, 1 sân thượng, 2 gác lửng, 1 tầng nền, 2 tầng hầm và một sân thượng cho máy bay trực thăng đáp xuống. Hơn 100 căn phòng của dinh, tùy theo mục đích sử dụng, được trang trí theo nhiều phong cách khác nhau”.
Vậy nên để không phải đi lòng vòng trong dinh thự, bạn cần người hướng dẫn. Nếu đoàn của bạn từ 15 người trở lên bạn có thể thuê người thuyết minh. Trường hợp đi một mình như mình, bạn có thể xin ghép đoàn. May mắn mình gặp gia đình người Bắc họ cho mình ghép mà không phải trả phí.
Tour tham quan tòa dinh chính của Dinh Độc Lập kéo dài hơn 1 tiếng. Bắt đầu từ 3 tầng chính đến 2 gác lửng, rồi lên sân thượng và xuống 2 tầng hầm.
Hướng dẫn viên thuyết minh Dinh Độc Lập cho đoàn khách.
Tiếp đó, mình tự do khám phá bên ngoài, phía trước và phía sau dinh gồm hai công viên cây xanh cổ thụ.
Cuối cùng, mình ghé Nhà Trưng Bày thêm 30 phút trước khi ra về, với hơn 10.000 bước chân và 4 tiếng tham quan trong một buổi sáng.
Nhìn chung mình đã có một tour đi bộ vô cùng “phê”.
Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập, hơn cả một di tích lịch sử
Mãi đến khi đến đây mình mới biết thêm những thông tin thú vị về Dinh, khiến cảm nhận của mình về chuyến đi thăm Dinh Độc Lập thêm sâu sắc hơn.
Theo chân chị hướng dẫn viên thuyết minh về Dinh Độc Lập mình được biết: Thì ra đây là Dinh mới xây dựng từ năm 1962, trên nền của dinh cũ (dinh Norodom) do người Pháp xây dựng đã hư hại nghiêm trọng do bị ném bom vào cùng năm đó.
Hình ảnh của Dinh cũ còn được lưu giữ tại đây. Bạn có thể tìm hiểu về lịch sử Dinh Độc Lập chi tiết nhất tại Nhà Trưng Bày.
Người đứng ra xây dựng Dinh mới là anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu. Công trình chưa xây xong thì xảy ra sự kiện đảo chính, Ngô Đình Diệm bị ám sát.
Tổng thống của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lên thay thế là Nguyễn Văn Thiệu đã hoàn thành Dinh như ngày nay. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sống và làm việc tại Dinh cho đến ngày 21/04/1975.
Vậy là chủ nhân sống trong Dinh Độc Lập trước kia lâu nhất là Nguyễn Văn Thiệu chứ không phải Ngô Đình Diệm như mình vẫn nghĩ. Để hiểu rõ hơn về bối cảnh lịch sử của Dinh Norodom và Dinh Độc Lập mới, bạn hãy ghé thăm thêm nhà trưng bày nhé!
Không chỉ chứng kiến bao nhiêu đổi thay của thời cuộc, Dinh Độc Lập còn sở hữu nhiều giá trị văn hóa kiến trúc và cả dấu ấn khoa học tiến bộ bậc nhất thời bấy giờ.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: Công Viên Tao Đàn Và Những Điều Có Thể Bạn Chưa Biết
Cha đẻ của công trình Dinh Độc Lập mới chính là Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ. Ông theo học kiến trúc tại Pháp và là người Việt đầu tiên đạt giải Khôi Nguyên La Mã. Dinh được Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế theo triết lý Phương Đông. Nhìn vào bản đồ tổng thể mặt bằng Dinh Độc Lập bạn sẽ nhận ra hình chữ Cát (Tức là may mắn).
Hơn 100 gian phòng trong Dinh được chia thành các phòng như Phòng Khánh Tiết, Phòng Hội đồng Nội các, Phòng làm việc của Tổng thống, Phó Tổng thống, Khu cho gia đình Tổng thống, Phòng trình ủy nhiệm thư, Phòng đại yến, hầm trú ẩn, các tiểu cảnh, hồ sen, hành lang…Tất cả từ tổng quan đến tiểu tiết đều được thiết kế, trang trí hài hòa hợp lý và không kém phần xa hoa.
Phòng Khánh Tiết, nơi đây đã chứng kiến sự kiện Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức.
Phòng hộp nội các
Có thể bạn chưa biết, cách đây gần 50 năm, giữa những năm 60 của Thế kỷ trước, Dinh Độc Lập được xem là công trình có quy mô lớn nhất miền Nam thời bấy giờ.
Chi phí xây dựng Dinh cao nhất, khoảng 150.000 lượng vàng. Nhiều hệ thống tiện nghi bên trong Dinh Độc Lập vô cùng hiện đại, với đầy đủ hệ thống điều hòa không khí, phòng cháy chữa cháy, thông tin liên lạc, vệ sinh, nhà bếp và nhà kho.
Phòng ngủ của Tổng Thống.
Tầng hầm bí mật của Dinh chịu được oanh kích của bom lớn và pháo. Các phòng trong Dinh Độc Lập được trang trí bằng nhiều tác phẩm tranh sơn mài, tranh sơn dầu, với chủ đề “non sông cẩm tú” được chính tay Ngô Viết Thụ vẽ hay in khổ lớn từ Nhật. Thêm nữa, vài đồ nội thất còn được mang từ nước ngoài về.
Thư viện, phòng đọc sách của Tổng thống.
Phòng tập bắn của Tổng Thống
Có ba điều mình vô cùng ấn tượng khi tham quan Dinh Độc Lập. Đó chính là: Điều kiện sống xa hoa của Tổng Thống, hệ thống hầm hoành tráng và hoa viên rộng lớn thoáng đãng ngập tràn hoa cùng hàng chục cây cổ thụ.
Thật vậy, đi dạo qua các phòng thư viện, phòng ngủ, phòng làm việc, phòng ăn, rạp chiếu phim và phòng trò chơi bạn sẽ cùng cảm nhận với mình. Riêng nhà bếp của Dinh thự, mình nhận thấy nó chẳng kém khu bếp của nhà hàng hạng sang ngày nay là bao.
View nhìn ra đường Lê Duẫn từ tầng thượng của Dinh, được gọi là Tứ Phương Vô Sự Lầu.
Sân trực thăng đáp tại Dinh.
Với tầng hầm của Dinh, đây thực sự là đầu não thông tin của toàn chính quyền miền Nam thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Chỉ riêng hệ thông máy móc thu phát tín hiệu và bản đồ, bạn sẽ thấy mức độ đầu tư của Mỹ cho chế độ này.
Hầm trực chiến tại Dinh.
Một trong nhiều phòng chứa các thiết bị thông tin liên lạc dưới hầm.
Cuối cùng, theo mình di sản quý của Dinh Thống Nhất từ thời Pháp đến nay ắt hẳn không thể thiếu gần trăm gốc cây cổ thụ, mang đến bóng mát và bầu không khí trong lành cho nơi này.
Cây xanh ở đây không kém cạnh Công Viên Tao Đàn gần đấy.
Vài lưu ý nhỏ cho chuyến tham quan Dinh Độc Lập lần đầu
Rút kinh nghiệm từ lần thăm quan Dinh này, mình chia sẻ với các bạn vài tips nho nhỏ để chuyến đi của bạn thật trọn vẹn:
Chỗ gửi xe vào Dinh Độc Lập
Bạn nên chọn gửi xe máy ở trong khuôn viên Dinh luôn. Giá vé gửi xe là 4.000đ/ lượt. Đừng như mình, search trên mạng rồi đi gửi xe ở Công Viên Tao Đàn (bãi giữ xe trên đường Trương Định), làm đi bộ mệt nghỉ mà giá vé gửi xe còn đắt hơn.
Đây là bảng giá vé gửi xe Dinh Độc Lập 2021.
Đến Cổng Dinh trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa bạn hãy chú ý biển chỉ dẫn gửi xe này.
Hãy chọn đôi giày thoải mái nhất
Nếu muốn khám phá hết mọi ngõ ngách của Dinh như mình, bạn hãy mang giày đi bộ thay vì đôi dép guốc thời trang. Ngoài đi bộ, bạn còn phải leo cầu thang khá nhiều nữa đấy.
Tìm hiểu sơ đồ Dinh Độc Lập trước
Ngoài Dinh chính ra, khuôn viên Dinh Độc Lập còn có khu Café de Dinh, nhà khách Dinh Độc Lập (nhà khách Nguyễn Du), café & ẩm thực 30/4 và Nhà Trưng Bày.
Nhà Trưng Bày hướng ra đường Nguyễn Du, được xây dựng theo phong cách cổ điện của Pháp.
Hy vọng những thông tin giới thiệu cơ bản về chuyến tham quan Dinh Độc Lập của mình sẽ giúp ích cho bạn. Hãy cùng Vegiang.com khám phá thêm về Sài Gòn – Thành phố xinh đẹp và hiện đại bạn nhé!