Giữa quận 1 hiện đại náo nhiệt, công viên Tao Đàn góp thêm mảng xanh cho bức tranh thành phố tăng phần tươi tắn mát lành. Là địa điểm quen thuộc đối với cư dân Sài Thành, song công viên Tao Đàn có nhiều điều thú vị, không phải ai cũng biết.

Mục lục

  1. Vườn Thượng Uyển của Sài Gòn xưa
  2. Đường Trương Định xuyên qua công viên
  3. Sở hữu hai ngôi đền trong khuôn viên
  4. Hàng chục cây cổ thụ trăm tuổi
  5. Trăm hoa đua sắc quanh năm
  6. Địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa đặc sắc

Vườn Thượng Uyển của Sài Gòn xưa

Công viên Tao Đàn ngày nay đã chứng kiến lịch sử thành phố này qua ba thế kỷ. Với diện tích gần 90.000m2, công viên này đã có từ những năm 1800, là vườn thượng uyển trong Gia Định Thành – nơi ở của Tổng Trấn cai quản cả miền Nam thời bấy giờ, Lê Văn Duyệt.

Cũng bởi chủ nhân của nó là Thượng công Lê Văn Duyệt nên công viên Tao Đàn còn có tên là Vườn Ông Thượng. Dưới thời này, trong khuôn viên vườn, Thượng công cho xây dựng thêm rạp hát bội bên cạnh vườn kiểng và cây bóng mát.

Công viên Tao Đàn Quận 1 Tao Đàn ngày nay vẫn còn giữ được không khí của khu vườn Thượng Uyển

Về sau, khi thành Gia Định – Sài Gòn rơi vào tay thực dân Pháp, Vườn Ông Thượng được quy hoạch lại và có tên mới là Jardin de la ville, chính thức trở thành công viên công cộng đầu tiên của người Sài Gòn.

Những năm tiếp theo, công viên được đổi tên thành Công viên Maurice Long - Tên ngài Toàn quyền Đông Dương (1920-1922). Dân Sài Gòn vẫn gọi công viên bằng những tên dân dã như Vườn Ông Thượng hay Vườn Bơ Rô (phiên âm tiếng Pháp Preau).

Đến năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã đổi tên công viên Maurice Long thành công viên Tao Đàn (tên hội xướng họa thi ca của vua Lê Thánh Tông).

Đường Trương Định xuyên qua công viên

Với mình đường Võ Văn Tần, Bà Huyện Thanh Quan, Trương Định, Lê Duẫn, … qua quận 1 mang không khí Sài Gòn nhất. Trong đó, đoạn 200-300m đường Trương Định đi xuyên qua Công Viên Tao Đàn là mình thích nhất.

Hai bên đường là hàng cây cổ thụ che bóng mát quanh năm. Mỗi lần đi qua con đường này, chẳng hiểu sao mình cảm thấy vô cùng thư thái.

Đường qua Công viên Tao Đàn Con đường xuyên công viên Tao Đàn xanh mát quanh mát

Còn nhớ vài năm về trước, cái thời đang thịnh hành trò chơi Pokemon Go, dân tình đậu xe kín hai bên vệ đường này, dù trời tối mưa tầm tã.

Sở hữu hai ngôi đền trong khuôn viên

Từ đường Trương Định hướng vào công viên Tao Đàn, nếu nhìn kỹ bạn sẽ thấy hai ngôi đền ở bên trong. Đó là đền tưởng niệm Vua Hùng và Đền Champa.

Đền tưởng niệm các Vua Hùng nằm trong công viên Tao Đàn là một trong sáu đền thờ vua Hùng tại TPHCM. Công trình này được xây dựng từ năm 1992 và tu sửa lại vào năm 2011, theo phong cách đậm chất cổ truyền, tô điểm vài chi tiết hiện đại và tọa lạc ở vị trí đắc địa nhất của công viên.

Đền Hùng trong CV Tao Đàn Cổng của Đền thờ Vua Hùng trong công viên.

Về kiến trúc đền nổi bật phải kể đến mái ngói truyền thống, hai bên bậc thềm có đôi rồng và cửa đền có hai tượng Hộ Pháp. Phía bên trong có thờ tượng Hùng Vương được trông coi khói hương cẩn thận.

Chính điện Thờ Vua Hùng Chính điện thờ vua Hùng

Cách Đền tưởng niệm các Vua Hùng không xa là đền Champa. Đây chỉ mô hình phục dựng tháp Chăm cổ, do có khu đền này có kích thước nhỏ hơn nhiều so với tháp Chăm thật.

Tháp Chăm trong công viên Tao Đàn Mô hình Tháp Champa tại công viên Tao Đàn

Nguyên mẫu của Tháp Chăm ở Công Viên Tao Đàn chính là Tháp Bà Ponagar ở Nha Trang. Tuy là mô hình phục dựng, song ngôi tháp Chăm này cũng mang vẻ đẹp cổ kính, là điểm nhấn đặc sắc cho khung cảnh rợp mát bóng cây của công viên Tao Đàn.

Hàng chục cây cổ thụ trăm tuổi

Tài sản quý giá nhất của một công viên có hàng trăm năm tuổi như Tao Đàn chính là những cây cổ thụ cao sững sừng. Các cây này thuộc nhiều loài cây khác nhau, mình không biết hết chỉ thấy trên biển là cây Sao Đen, cây Nhạc Ngựa, cây Chò (cái này mình tự đoán)…

Cây sao Công viên Tao Đàn Cây sao đen cao lớn sừng sững

Thân cây to đến nổi nó là minh chứng rõ nhất cho ý văn mẫu kinh điển: ôm một vòng tay cũng không xuể. Những cây cổ thụ nằm rải rác khắp công viên Tao Đàn và nhiều nhất ở gần đường Trương Định.

Cây Nhạc Ngựa Tao Đàn Hàng cây nhạc ngựa bên đường Trương Định

Trăm hoa đua sắc quanh năm

Lúc mình ghé thăm, công viên Tao Đàn được tô thắm thêm bởi hoa Ban, hoa Phượng Vàng, hoa Súng, hoa Liễu, hoa Hồng, Hoa Sử Quân Tử, hoa Hợp Hoan,.. nở rộ, chúng báo hiệu mùa xuân đang sắp sửa gõ cửa miền đất Phương Nam ấm áp này.

Hoa Ban Hoa ban mùa tháng 2

Hoa hồng leo Tao Đàn Hoa hồng leo nở quanh năm

Còn nhiều loài hoa khác ở Công Viên Tao Đàn mà mình không biết tên, chúng đa số mang vẻ ngoài là lạ, thu hút ánh nhìn của khách tham quan. Dường như ở công viên Tao Đàn mùa nào cũng có hoa nở thì phải.

Hoa Súng Tao Đàn Hoa súng nở trước đền Hùng - Hình chất lượng thấp nhưng hoa chất lượng cao

Hoa liễu Tao Đàn Hoa liễu dây nở đỏ cả cây

Hoa Tao Đàn Hoa này có màu xanh lạ mắt mà mình không biết tên.

Địa điểm tổ chức các sự kiện văn hóa đặc sắc

Mỗi buổi sáng và chiều tối, Công Viên Tao Đàn là địa điểm vui chơi thể dục thể thao của người dân sống lân cận, thuộc đủ mọi lứa tuổi. Công viên cũng có khu vui chơi riêng cho trẻ em và lối đi sạch thoáng cho người đi bộ, chạy bộ.

Ngoài ra, hàng năm Công Viên Tao Đàn cũng là nơi tổ chức Hội Hoa Xuân, quy tụ những nghệ nhân, nhà vườn bonsai trưng bày tác phầm của mình. Thành phố phối hợp cũng nhiều cơ quan tổ chức chợ phiên, tái hiện chợ Tết xưa vô cùng đặc sắc.

Khu mộ cổ Khu mộ cổ mình mới phát hiện ra ở công viên

Chung Cư Nguyễn Du Không liên quan lắm, Tòa nhà có dáng vẻ xưa cũ này trên đường Nguyễn Du giao với Trương Định.

Trước những áp lực cuộc sống, bạn cần một không gian thoáng đãng, trong lành ngay trung tâm thì không đâu thích hợp hơn Công Viên Tao Đàn. Bạn hãy thử ghé thăm nó vào một sáng sớm đẹp trời và cảm nhận nhịp sống giản dị, bình yên đến lạ ở đây.

Xem thêm: Sài Gòn dưới tán cây xanh