“Thảm sát Mỹ Lai” không biết bạn có từng nghe đến hay chưa, nhưng với người Quảng Ngãi đây có lẽ là một phần lịch sử đau thương nhất. Thăm khu chứng tích Sơn Mỹ, nơi xảy ra vụ thảm sát cách đây hơn 50 năm, lòng mình nặng trĩu cả khi viết những dòng chia sẻ này.

Mục lục

  1. Tham quan khu Chứng tích Sơn Mỹ, những ngày đầu năm 2021
  2. Điều gì đã xảy ra vào buổi sáng định mệnh ấy
  3. Tại sao quân đội Mỹ lại ra tay tàn bạo như vậy
  4. Thảm sát Mỹ Lai, sự thật được phơi bày và nỗi ám ảnh suốt nửa thế kỷ
  5. Tạm kết,

Tham quan khu Chứng tích Sơn Mỹ, những ngày đầu năm 2021

Đây là lần đầu tiên mình tham quan Sơn Mỹ. Vì dịch Covid-19 nên khu chứng tích vắng khách đến thăm. Những năm trước đây là một trong những điểm đến đông khách nước ngoài nhất của tỉnh, chủ yếu là người Mỹ.

Khu Chứng Tích Sơn Mỹ thuộc huyện Sơn Tịnh, nằm cùng tuyến đường với Chùa Thiên Ấn (QL24B) và hướng ra Cảng Sa Kỳ đi Đảo Lý Sơn. Nếu có dịp đến Quảng Ngãi du lịch, bạn hãy ghé thăm Sơn Mỹ, thắp cho bà con đã nằm xuống nơi đây nén hương.

Cổng khu di tích Cổng vào Khu Chứng tích Sơn Mỹ

Quay trở lại chuyến đi của mình. Vì nhân viên thông báo khu trưng bày đang sửa chữa nên không mở cửa đón khách, nhà mình chỉ trả tiền gửi xe ôtô là 50.000đ/chiếc, còn vé tham quan thì không phải trả. Ngày thường du khách đến đây đều phải mua vé 20.000đ/ người thì phải. Nếu đi đoàn lớn sẽ có nhân viên hướng dẫn và thuyết minh.

Bãi đậu xe Bãi đỗ xe máy và ôtô, phòng bán vé cũng nằm ngay cổng ra vào.

Bảng sơ đồ khu chứng tích Bạn có thể xem sơ đồ của Khu chứng tích tại bảng này.

Phòng trưng bày Phòng trưng bày của Khu Chứng Tích Sơn Mỹ

Phòng vé Phòng vé của khu chứng tích ở ngay cổng vào.

Đoàn nhà mình gồm 3 người, hai chị em và mẹ của mình. Với “kinh nghiệm” tham quan địa điểm này hơn chục lần, mẹ mình đảm nhận vai trò hướng dẫn viên.

Khu nhà phục dựng

Điều gì đã xảy ra vào buổi sáng định mệnh ấy

“Đó là sáng 16/3/1968, giữa mùa thu hoạch khoai lang ở làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Trên những con đường và gò đất ở thôn Mỹ Lai, phơi đầy khoai lang mới xắt.

Ngôi nhà phục dựng Ngôi nhà được phục dựng trong khu chứng tích.

Vật dụng nông thôn ngày ấy Đồ đạc dụng cụ thô sơ quen thuộc nơi làng quê ngày ấy.

Xe đạp nước Xe đạp nước

Chuồng bò Chuồng bò

Cây rơm Cây rơm

Bà Hà Thị Quý hôm ấy dậy sớm, để xí chỗ phơi khoai trên mảnh đất gò. Nhà hôm ấy chỉ còn mấy người phụ nữ và trẻ con, là mẹ bà Quý, đứa con gái 17 tuổi và đứa cháu. Chồng bà đã đưa hai con trai đi lên núi chăn bò từ sáng.

Thôn xóm Mỹ Lai Thôn xóm yên bình trước khi tang thương xảy ra.

Măm cơm ngày xảy ra thảm sát Mâm cơm dọn lên thường ngày của người dân xóm Thuận Yên.

7h27, trực thăng Mỹ bay tới. Sau các loạt đạn dẹp đường, 100 lính đổ bộ xuống Mỹ Lai. Bà Quý nhìn thấy lính Mỹ tiến về nhà mình, nhưng không chạy. “Vì nghĩ không có Việt Cộng thì họ bắn làm gì?” - người phụ nữ 93 tuổi vẫn nhớ rõ cảm giác hồn nhiên của mình 50 năm về trước.

Lính Mỹ không nghe bà nói. Họ đập ảng nước, lu đựng củ lang khô, rồi chĩa súng vào 4 người trong nhà, ra lệnh phải theo họ ra đồng. Cô con gái 17 tuổi bám vào tay mẹ lí nhí: “Chắc họ bắn chết mất mẹ ơi”. Bà Quý cả quyết: “Cứ đi đi con, sống chết gì cũng đến số rồi”, với niềm hy vọng ngây thơ rằng bà đã gặp lính Mỹ nhiều lần. Nhưng rồi bà bàng hoàng nhận ra: “Chưa có đội quân nào tàn bạo đến thế”.

Lính Mỹ tập hợp họ thành hàng dài bên bờ mương và bắt đầu nã đạn.

Bờ mương Mỹ Lai Bờ mương này là nơi hàng trăm người bị bắn

Bà Quý đã sống sót nhờ bị vùi lấp dưới xác người. Bị thương ở chân phải, không thể leo lên bờ mương, bà nằm thoi thóp bê bết máu.

Con mương ngày đó Nước của con mương này từng bị nhuộm đỏ màu máu

Cuối ngày hôm đó, trên các bản tin của quân đội Mỹ, “128 Việt Cộng đã bị tiêu diệt sau một ngày chiến đấu khốc liệt”. Tướng William Westmoreland, tư lệnh của lực lượng Mỹ tại miền Nam Việt Nam, có lời khen đơn vị của ông đã “làm việc kiệt xuất”. (Trích phóng sự của Phạm Linh – Đức Hoàng)

Tại sao quân đội Mỹ lại ra tay tàn bạo như vậy

Trở lại bối cảnh lịch sử năm 1968, khi bị giáng 1 đòn đau bởi Chiến dịch Mậu Thân, lực lượng quân đội Mỹ và đồng minh đã nôn nóng củng cố lực lượng và muốn chiếm thế thượng phong tại tất cả các mặt trận thì Vĩ tuyến 17 trở vào, trong đó có Đông Bắc Quảng Ngãi.

“Khoảng 6 giờ sáng ngày 16/3/1968 hàng loạt pháo của quân Mỹ từ các căn cứ Bình Liên, núi Răm, Chi khu Sơn Tịnh , tiểu khu quân sự Quảng Ngãi bắn dồn dập vào các thôn trong xã Tịnh Khê, mảnh đất mà quân Mỹ khoanh trong vùng tự do tác chiến ( free-fiere-zone) và được gọi bằng cái tên như Pinkville hay My Lai.

Hầm trú ẩn Hầm trú ẩn bom đạn của người dân tự làm.

Ba đại đội đặc nhiệm tinh nhuệ của Mỹ tiến vào Sơn Mỹ theo 3 mũi tên nhọn để thực hiện mệnh lệnh “Tách xa tiêu diệt mọi sự di chuyển trong khu vực hành quân”. Vừa ra khỏi máy bay lính Mỹ đã hình thành thế bao vây thôn tư Cung, trung đội 2 và 3 có nhiệm vụ “đốt sạch và phá sạch” ngăn chặn tất cả mọi lối ra vào xóm Thuận Yên (nay gọi là xóm Khê Thuận). Đồng thời cùng trung đội 1 của Calley có nhiệm vụ “giết sạch hủy diệt Mỹ Lai”, giết hết mọi người trong làng không để bất cứ cái gì.

Cây cau với vết xả súng Cơn bão số 10 đi qua cũng không làm cây cau hơn 50 năm tuổi nghiêng ngã. Những lỗ, xước trên thân cây là vết đạn của quân Mỹ xả điên cuồng.

Sự man rợ của lính Mỹ lên đến đỉnh điểm khi gom dân làng lại và tàn sát hàng loạt người cùng một lúc: ở Tháp Canh 102 người, ở mương nước phía Đông xóm Thuận Yên 107 người số người bị sát hại ở thôn Tư Cung là 407 người, tại thôn Cổ Lũy cũng cảnh tàn sát tương tự với 97 người. Tổng số người bị tàn sát trong buối sáng ngày 16/3/1968 là 504 người trong đó có 182 người phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già, có 24 gia đình bị giết sạch, 247 ngôi nhà bị đốt cháy”.

Một gia đình bị thảm sát Một gia đình toàn người già, phụ nữ và trẻ em bị giết hại.

Nền nhà bị đốt cháy Nền một ngôi nhà bị đốt cháy.

Thảm sát Mỹ Lai, sự thật được phơi bày và nỗi ám ảnh suốt nửa thế kỷ

Ngay sau vụ thảm sát ở Mỹ Lai, Ủy ban Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc đã lên tiếng tố cáo tội ác của Quân đội Mỹ. Nhưng phải đến 1 năm sau, khi những người cựu binh Mỹ còn lương tâm đã gửi thư tố cáo thì sự thật diễn ra ở Mỹ Lai mới được phơi bày.

Qua lời kể của cựu binh Ronald Ridenhour, phóng viên chiến trường Jay Roberts, các bức ảnh của Ronald Haeberle và Huge Thompson – là phi công đã cứu được một số người khỏi bị tàn sát, vụ thảm sát Sơn Mỹ được đưa ra ánh sáng, đã làm chấn động cả dư luận toàn thế giới, lương tâm của loài người.

Sau tất cả nỗ lực của những người yêu chuộng hòa bình, chỉ có 1 người bị Tòa Án Mỹ buộc tội. Đó là tay súng William Calley Jr., bị cáo buộc bắn chết 22 người không có vũ trang và đã thụ án 3,5 năm rồi được ân xá.

Tuy vậy, cả thời gian và sự “che chở” của chính quyền Mỹ cũng không thể cứu các cựu binh từng tham gia chiến tranh Việt Nam nói chung và người gây tội ác tại Mỹ Lai nói riêng thoát khỏi ám ảnh tội lỗi. Đa số họ sau khi trở về Mỹ đều bị PTSD (Hội chứng rối loạn stress sau sang chấn) nặng nề. Cuộc đời họ về sau phải sống nhờ vào rượu và ma túy, có người không chịu nổi đã tự sát…

Xóm Thuận Yên ngày đó, sau khi đất nước thống nhất, đã được xây dựng thành Khu Chứng Tích Sơn Mỹ. Các hiện vật để trưng bày ở nhà tưởng niệm. Mộ phần của người đã khuất và nền nhà cũng được dựng bảng. Năm 1979, Khu Chứng Tích Sơn Mỹ được nhà nước xếp hạng là Di tích cấp quốc gia.

Tượng Sơn Mỹ Tượng đài nạn nhân Thảm sát Mỹ Lai năm 1968. Nếu có dịp ghé thăm, hãy thắp cho đồng bào mình nén nhang nhé!

Hình ảnh và câu chuyện về vụ “Thảm sát Mỹ Lai” qua ống kính của các phóng viên nước ngoài cũng đang được trưng bày tại Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh (TPHCM)

Tạm kết,

“Chiến tranh ở đâu cũng vậy cũng chỉ mang một hình hài.” (NS. Trần Tiến)

Đó là tang thương, là chia cắt, là nổi đau và mất mát chẳng gì có thể bù đắp được. Lịch sử tiến hóa của loài người mất hàng ngàn năm để thoát khỏi cái mác “con” nhưng chiến tranh đã xóa đi mọi thành quả ấy. Con người lại có thể tàn nhẫn với đồng loại của mình đến vậy. Đó là suy nghĩ đầu tiên của mình khi đến thăm Khu Di Tích Sơn Mỹ và đọc tài liệu về nó.

Hơn nửa thế kỷ đi qua, chiến tranh vũ trang đã không còn trên đất Việt nhưng nỗi đau nó để lại vẫn còn đó. Vì lợi ích của một nhóm người mà ảnh hưởng đến cuộc sống, thậm chí cả tính mạng của hàng trăm nghìn người. Điều đó thật đáng sợ.

“Ở Việt Nam, chúng tôi có truyền thống rằng hãy cho qua chuyện quá khứ. Nhưng trong trái tim, chúng tôi không thể quên… Hãy dạy cho thế hệ trẻ, con cháu của ông, đừng lặp lại điều đó nữa. Và đừng gây chiến bất kỳ đâu trên thế giới”.

P.s: Sau khi đăng tải bài viết này, mình đã nhận được phản hồi từ bác Trần Văn Đức, người đã mất mẹ và hai chị em gái trong cuộc thảm sát Mỹ Lai và cũng là nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng “Anh che đạn cho em”. Bạn có thể xem thêm thông tin về hành trình 10 năm ròng rã đòi sự thật của bác ở một số link báo chí dưới đây để có thêm thông tin chân thực nhất: