Những ngày Sài Gòn nắng nóng rát da mà được đi dưới hàng cây xanh mát mới dễ chịu làm sao! Mình yêu quý cây cổ thụ, mảng xanh ở thành phố này, như một cảnh đẹp, một di tích quý giá.

Có bao giờ đi đường bạn thắc mắc hàng cây cao lớn kia tên gì, bao nhiêu tuổi không? Mình thì có. Số đông chúng ta quan tâm đến mùa hoa kèn hồng, mùa hoa phượng vàng rực, hiếm bạn trẻ nào biết đến câu chuyện của cây cổ thụ đất Sài Thành này.

Mình cũng thích hoa và sẽ để dành dịp nào đó đi ngắm chúng, nhưng có một thứ mình muốn ưu tiên lưu giữ lại hơn. Đó chính là những hàng cây cổ thụ của Sài Gòn.

Sài Gòn nằm ở vùng cận nhiệt đới và nóng ẩm quanh năm. Từ thời tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt cho đến khi thực dân Pháp đô hộ, cây bóng mát đã được trồng để giảm bớt cái nắng nóng. Trong đó phổ biến nhất phải kể đến cây xà cừ, cây sao đen, cây dầu, me và đặc biệt có những cây gỗ quý như cẩm lai, giáng hương, săng mã…

Được trồng từ những năm 1800, hàng cây trên đường phố như Phạm Ngọc Thạch, Pasteur, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Duẩn, Trương Định, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Bỉnh Khiêm và đường Tôn Đức Thắng – Ba Son (trước đây, giờ chỉ còn là hoài niệm) có tuổi đời lên đến trăm năm.

Hàng Cây xà cừ trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng Hàng cây xà cừ hơn trăm tuổi trên đường Tôn Đức Thắng giờ chỉ còn là kỷ niệm. Ảnh: Vnexpress

Nếu một ngày buồn chán, bạn muốn “tìm đến nơi có nhiều cây cối” ở Sài Gòn, hãy đến những con đường ấy, đi xe chầm chậm hay đi bộ và cảm nhận bạn nhé!

Ngoài ra, mình giới thiệu thêm công viên Tao Đàn, công viên 30/4, Dinh Độc Lập và Thảo Cầm Viên để thăm hàng trăm cây đại thụ, vòng tay của bạn cũng không ôm nổi một vòng thân cây đâu.

Tuy là cây bóng mát, nhưng hoa của chúng cũng rất đặc biệt. Hàng năm cuối tháng ba đầu tháng 4, nguyên con đường Pasteur lại phảng phất mùi hoa sao thơm thơm be bé theo gió rơi rụng như mưa hoa. Hay trên đường An Dương Vương khu Đại Học Sư Phạm – Đại Học Sài Gòn, đầu mùa mưa hoa chò lại rơi rụng xoay tít trên không trung, được những kẻ mộng mơ đặt cho cái tên “Hoa của gió”.

Cuối cùng, có một loài cây ở Sài Gòn, mình muốn đặc biệt nhắc đến, đó là cây me. Thật trùng hợp nếu Hà Nội có cây sấu, quả nó chua ơi là chua, thì Sài Gòn có me. Cây me được trồng khắp nơi trên các con đường, bởi chúng có tán rộng hơn phượng, trái me không rơi rụng nhiều như bàng và rễ chúng không làm hư hại vỉa hè.

Hình ảnh hàng me Sài Gòn in đậm trong tâm trí người dân nơi đây và vào thơ ca đầy thơ mộng

“Nhìn lá me bay nhớ kỷ niệm hai chúng mình

Ngày đó quen nhau vương chút tình trên tóc mây

Ðôi mắt thơ ngây, hoa nắng ươm đầy

Ðẹp tựa như lá me bay nên tình anh trót vay

Ngày đó yêu nhau chúng ta thường qua lối này

Từng lá me bay vương gót hài hoa bướm say

Tơ nắng đơm bông, trên má em hồng

Ðẹp tựa như lá me rơi khung trời xanh ước mơ“

(Vùng lá me bay – Anh Việt Anh)

“Vài lần đón đưa . . . Rồi quen

Hồn nhiên đến gọi muộn phiền

Chiều nay thoáng nghe

Lẻ loi…Bên hàng me“

(Vài lần đón đưa – Trần Lê)

Để kết thúc chủ đề này, mình xin được mượn lời của Ông Nguyễn Trịnh Kiểm (chánh văn phòng Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam)

_“Để tạo ra một tòa nhà cao vài chục tầng có thể mất vài năm, nhưng để tạo ra một cây cổ thụ phải mất vài chục năm, thậm chí cả trăm năm. Đó là chưa kể những cây cổ thụ còn mang lại một giá trị tinh thần không gì thay đổi được đối với không ít người. Vì vậy, chúng ta cần có cái nhìn trân quý đối với cây cổ thụ của Thành phố, đó cũng là cách trân quý lịch sử hình thành phát triển của Sài Gòn.”

Và bên dưới là hình ảnh dưới tán cây xanh mình chụp trong nhiều dịp rong ruổi Sài Gòn. Mình sẽ bổ sung thêm vài con đường xanh khác nữa vào thời gian tới.

Cây xanh công viên Gia Định Sài Gòn Hàng xà cừ ở Công viên Gia Định Gò Vấp

Hàng cây xanh trên đường Huyền Trân Công Chúa Hàng cây dầu cao vút trên đường Huyền Trân Công Chúa

Cây cổ thụ công viên Tao Đàn Sài Gon “Rừng” cây cổ thụ của Công Viên Tao Đàn (Cổng Huyền Trần Công Chúa)

Cây xanh công viên Tao Đàn Saigon Vào bên trong công viên Tao Đàn tận hưởng không khí trong lành dưới bóng cây

Hàng cây xanh Nguyễn Du-Trương Định Sài Gòn Một góc đường Nguyễn Du – Trương Định

Cây xanh công viên Bách Tùng Lâm TPHCM Công viên Bách Tùng Lâm, đối diện Bảo Tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây có cây đa nhiều tuổi nhất Sài Gòn.

Hàng me đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa Sài Gòn Hàng me xanh trĩu quả trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa

cây đa cổ thụ trong Dinh Độc Lập Sài Gòn Cây cổ thụ trong khuôn viên Dinh Độc Lập

Cây xanh khuôn viên Dinh Độc Lập Sài Gòn Cũng ở Dinh Độc Lập hoa phượng vàng nở rộ

Cây xanh đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa Sài Gòn Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đoạn gần Dinh Độc Lập

Hàng me xanh đường Nguyễn Du Sài Gòn Một trong những con đường mình thích đi qua nhất ở Sài Gòn – Nguyễn Du

Hàng me đường Nguyễn Du Hàng me xanh đường Nguyễn Du

Hàng me đường sách Nguyễn Văn Bình Sài Gòn Hàng me rợp mát đường sách Nguyễn Văn Bình

Hàng cây trước Bưu điện Trung tâm Cây sao trước Bưu Điện Thành Phố

Hàng me xanh bên cạnh Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn Nhà Thờ Đức Bà bên hàng me xanh

Hàng me trên đường Hai Ba Trưng Và hàng me trên đường Hai Bà Trưng

Cây xanh trên đường Hai Bà Trưng Cây đa ở một nhà công vụ nào đó mình chưa biết tên trên đường Hai Bà Trưng

Cây xanh đường Pasteur Sài Gòn Ngã tư Pasteur – Hàn Thuyên

Cây xanh Công Trường Paris Sài Gòn Công Trường Paris – Lê Duẩn, gần Công viên 30/4

Cây xanh đường Lê Duẩn Sài Gòn Cây xanh hai bên đường Lê Duẩn gần Nhà Thờ Đức Bà

Hàng me đường Hàn Thuyên Sài Gòn Hàng me bên đường Hàn Thuyên, đối diện Công Viên 30/4

Cây xanh đường Đồng Khởi Sài Gòn Vỉa hè xanh mát hướng đường Đồng Khởi thì phải, có cụ bà đang nghỉ chân, trú nắng.

Cây cổ thụ công viên 30 tháng 4 Sài Gòn Ở Công Viên 30/4, mình lúc này đang canh sóc chạy xuống để chụp hình nhưng không được. Cách đây 7-8 năm, cà phê bệt Nhà Thờ là địa điểm thường lui tới của giới trẻ Sài Thành, giờ thời thế thay đổi, chẳng mấy ai ra đây ngồi “bệt” uống trà chanh ăn bánh tráng trộn như trước nữa.

Sài Gòn, 11/04/2021