Mảnh xanh nằm giữa trung tâm thành phố, Thảo Cầm Viên không quá xa lạ với người dân Sài Gòn và du khách thập phương. Có lẽ vì thân quen quá, ta dường như ít quan tâm đến nơi này. Dần dần Thảo Cầm Viên chỉ còn trong kí ức – Hồi nhỏ đã từng đi rồi – với người địa phương. Còn mình bất giác tự hỏi: Bao lâu rồi chưa đi Thảo Cầm Viên chơi nhỉ?

Mục lục

  1. Dành ngày nghỉ lễ 2/9 cho Thảo Cầm Viên
  2. Sở Thú không chỉ có thú
  3. Kinh nghiệm đi chơi Thảo Cầm Viên trọn vẹn
  4. Nổi niềm của Thảo Cầm Viên và Bảo Tàng Lịch Sử
  5. Một số hình ảnh tại Thảo Cầm Viên do mình chụp

Dành ngày nghỉ lễ 2/9 cho Thảo Cầm Viên

Tháng 8 Thảo Cầm Viên- Sở Thú hơn 156 tuổi gây chú ý dư luận bởi lời cầu cứu, xin hỗ trợ thức ăn cho hơn 1500 động vật, do COVID-19 khiến ban quản lý không kham còn đủ chi phí, dù nhân viên tình nguyện giảm 30% lương.

Để ủng hộ Sở Thú vượt qua khó khăn, lễ 2/9 này, hai chị em mình quyết định đi Sở Thú chơi thay vì ăn uống mua sắm như mọi lần.

Đây là lần thứ 3 mình đi Thảo Cầm Viên, lần gần nhất cách đây cũng 4 năm rồi. Tuy vậy, còn nhiều chỗ ở đây mình chưa khám phá hết. Bằng chứng là chỉ cần lượn một vòng Instagram với hastag #SaigonZoo, bạn sẽ bất ngờ vì có nhiều góc lạ vô cùng.

Sở Thú không chỉ có thú

Mình không thích nuôi nhốt động vật hoang dã càng không thích xem xiếc, nhưng ở Thảo Cầm Viên thì khác. Những con thú ở đây đa phần là được cứu về hoặc mất khả năng tự sinh tồn trong môi trường tự nhiên. Trước đó, còn có bài báo nói thú ở Thảo Cầm Viên bị ngược đãi, ốm giơ xương,.. Điều đó không đúng đâu, nói vậy tội cho nhân viên Sở Thú quá.

Khác với hình dung của tụi mình, Sở Thú nay chắc vắng khách lắm, hai chị em mình đi sớm mà bà con Sài Gòn đi chơi cũng sớm không kém. Mới 8h30 đã bắt đầu đông rồi. Đa số khách tham quan di theo gia đình. Nhiều khách còn mang theo túi lớn chứa trái cây cho các em thú. Nhìn cưng lắm.

Lần này đi chơi Thảo Cầm Viên, ngoài thăm bé na bé xoài, thỏ nâu, mình còn ghé thăm vườn bướm, vườn Hồng hạc, nhà khỉ, hà mã,….chụp vài kiểu hình kỉ niệm.

Đặc biệt, lần này mình tốn thời gian đi ngắm cây cỏ ở Thảo Cầm Viên nhiều hơn.

Đầu tiên là hàng cọ xanh gần lối đi vào, bên hông Đền Thờ vua Hùng. Khu này, mình tốn không ít thời gian ở đây để chụp ảnh vườn hoa hướng dương, hàng chuối cảnh.

Background cây cọ xanh ở Thảo Cầm Viên Mình chụp tấm hình so deep cho chị với background xanh rì của cây cọ

Kế đến là vườn bướm. Có hàng tram loài bướm ở đây. Bướm đủ màu sắc và dạng người. Để nuôi bướm, người trồng hoa ngũ sắc, hoa bươm bướm với vài loại khác mà mình không biết tên.

Vườn bướm Thảo Cầm Viên Mặc muỗi chích, mình canh mãi mới chụp được em ấy, bên ngoài em này to lắm

Mục đích chính của mình là đi tìm vườn lan ma mị của Thảo Cầm Viên. Thế mà trên đường đi tìm kiếm, hai chị em mình phát hiện ra khu địa lan, kế bên là bức tường màu vàng và hàng hoa giấy. Kể ra nếu đi mùa khô, hoa giấy nở chắc đẹp lắm.

Vườn địa lan Thảo Cầm Viên Vườn địa lan, xa xa là khu tô tượng cho trẻ em

Địa Lan Thảo Cầm Viên

Cây giấy thảo cầm viên Góc này được nhiều bạn trẻ checkin trên Instagram

Bên cạnh đó, khu vườn nông nghiệp cũng thú vị. Khu này trồng các cây hoa màu,lương thực quen thuộc ở nước ta như lúa, ngô, sen, rau thơm,…Với một đứa gốc nông thôn như mình, nhìn khu này trông ngồ ngộ. Mình nghĩ trẻ em thành phố nên được tạo điều kiện đến đây tham quan. Để tránh giống như anh bạn mình, anh ấy lớn lắm rồi mà chưa biết cây ổi trông ra sao.

Vườn nông nghiệp Thảo Cầm Viên

Khách tham quan vườn nông nghiệp của Thảo Cầm Viên

Cuối cùng mình cũng tìm ra được vườn Lan. Nó nằm cạnh khu xương rồng và các loài cây sa mạc. Ở đây mình thấy nhiều loài lan, cây to, hoa màu rực rỡ. Mình không rành về các giống lan, nếu bố mình đến đây chắc thích lắm.

Nhà Lan Thảo Cầm Viên Lối vào Nhà Lan của Thảo Cầm Viên

Bên trong nhà lan thảo cầm viên Chờ mãi mới được một lúc nhà lan vắng khách tham quan

Kinh nghiệm đi chơi Thảo Cầm Viên trọn vẹn

Để chuyến đi hoàn hảo nhất, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng và có kế hoạch. Đừng hứng lên rồi đi, bạn sẽ bị bỏ lỡ nhiều thứ hay xảy ra những sự cố không mong muốn. Điều này làm giảm chất lượng cuộc đi chơi, đi Thảo Cầm Viên cũng vậy. Sau đây là một số kinh nghiệm ‘xương máu” mình tự rút ra sau ba lần đi.

Tranh thủ đi sớm: Rút kinh nghiệm từ hai lần đi trước, lần này tụi mình quyết tâm dậy thật sớm, phải có mặt ở Thảo Cầm Viên trước 9h sáng. Lý do vì sao đi sáng sớm: Vừa được tận hưởng không khí sáng ngày lễ đường phố vắng vẻ, đi chơi sớm về sớm cho mát.

Quả thật, đến tầm 11h trưa, mình thấy Sở Thú đông rõ rệt, di chuyển khó khăn. Chưa kể nhiệt độ tăng, độ ẩm cũng cao khiến khách tham quan cảm thấy nóng bức. Lúc này mình thấy nhiều gia đình mới đến gửi xe để vào, còn tụi mình lấy xe ra về. Thật sự đi vào buổi trưa chiều rất tốn sức đấy.

Chuẩn bị một ít đồ ăn nhẹ, thức uống: Không phải Thảo Cầm Viên không có đồ ăn, chỉ là ở đây không có nhiều món thôi. Nếu muốn ăn uống đồ hợp vị, tốt nhất hãy tự chuẩn bị. Mình thấy nhiều gia đình đi picnic mang theo xe kéo nhìn chuyên nghiệp lắm.

Picnic ở thảo cầm viên Hai bác chuẩn bị hành trang dã ngoại bài bản

Thoa kem/ xịt chống muỗi đốt: Mình đi buổi sáng sớm, không để ý đến vấn đề này nên bị muỗi chích đầy người, ngứa với nổi đỏ khó chịu lắm. Cũng may là mình mang theo lọ dầu Thái nên cũng đỡ. Bạn nên thoa kem chống nắng, chống muỗi ngay từ nhà nha. Đến nơi có thể dặm thêm, đừng để bị chích mới thoa như mình.

Chọn giày đi bộ nhẹ, êm: Để khám phá được từng ngóc ngách của Thảo Cầm Viên thì đi bộ là lựa chọn tốt nhất. Để chân không bị tra tấn, bạn nên chọn cho mình một đôi giày tốt, nhẹ và êm.

Lấy bản đồ công viên ngay khi vào cửa: Vì không cầm bản đồ Thảo Cầm Viên mà tụi mình tự lần mò đường với hỏi thăm nhân viên loạn xạ cả lên. Để tiết kiệm thời gian và sức lực đi qua đi lại, bạn hãy lấy bản đồ công viên ngay khi mua vé vào cửa nhé !

Nổi niềm của Thảo Cầm Viên và Bảo Tàng Lịch Sử

Hôm mình đi đúng ngày lễ, có lễ vì vậy mà Sở Thú đông hơn. Khách đến đông nhân viên cũng phấn khởi. Trải qua mấy tháng dịch bệnh, ngày hôm ấy có vẻ là điểm sáng sau những ngày u tối. Cũng thuộc khuôn viên của Thảo Cầm Viên, Bảo Tàng Lịch Sử Thành Phố Hồ Chí Minh nằm khiêm tốn đối diện đền thờ Vua Hùng. Lần này, mình có ghé thăm bảo tàng, được giảm giá vé vào cửa chỉ 21K/ vé. Nghe nhân viên nói chuyện với nhau thấy thương: “Lâu lắm mới thấy khách tham quan đông vậy…”

Có thể bạn quan tâm: Điều gì khiến Bảo Tàng Lịch Sử TPHCM đặc biệt?

Không chỉ vì dịch COVID-19, thường ngày những điểm đến văn hóa lịch sử như Thảo Cầm Viên hay Bảo tàng ở ta, thường vắng khách. Thực trạng ấy mới đáng buồn làm sao. Hy vọng đừng là trào lưu nhất thời, các điểm đến văn hóa sẽ được quan tâm đúng mức, không đơn thuần là điểm vui chơi mà còn là điểm đến giáo dục.

Riêng mình quan niệm, thay vì đi cà phê, xem phim như bình thường, nếu có thời gian mình cũng muốn ghé thăm các bảo tàng, công viên của Thành phố. Đây là cách đơn giản để tìm hiểu một vùng đất theo chiều dài lịch sử.

Một số hình ảnh tại Thảo Cầm Viên do mình chụp

Vườn Hồng Hạc Thảo Cầm Viên Lối vào Vườn Hồng Hạc

Hồng Hạc Hồng Hạc ở Thảo Cầm Viên

chim công ở Thảo cầm viên Chờ mãi không thấy mấy chú công xòe đuôi

Voi ở Thảo Cầm Viên Lúc này Thảo Cầm Viên đông lắm, mình bon chen mãi mà chẳng chụp được mấy em voi đàng hoàng

Rùa ở Thảo Cầm Viên Em rùa tạo dáng để mình chụp nè

Khỉ ở Thảo Cầm Viên Ban đầu định chụp hình một em thôi. Giơ máy lên chụp thì em khác tới đứng cạnh

em khỉ dạn dĩ ở Thảo Cầm Viên Chụp mà nơm nớp sợ ẻm nhảy bổ xuống người mình

Hổ trắng ở Thảo cầm viên Hổ said: Trưa rồi để tao ngủ, chiều tao đi cho coi ^^

hà mã Thảo Cầm Viên Một mình ẻm một cõi, trông có vẻ đang vui lắm

Gấu ở Thảo Cầm Viên Hai em thỏ nâu. Bạn để ý góc 8h có 1 em chuột. Đợt này đi, mình thấy nhiều chuột lắm.

chim trĩ Thảo Cầm Viên Em này là chim trĩ hay gà lôi mình quên mất rồi

Sư tử Misa ở thảo cầm viên Một vài chuồng sẽ không có thú. Và đây là lý do

Sư tử Thảo Cầm Viên Cô sư tử cũng đang ngủ trưa

Tê giác Thảo cầm viên Hình này mình chụp năm 2015

Ngựa vằn linh dương Thảo Cầm Viên Ngựa vằn và linh dương

Cây cổ thụ Thảo cầm viên Cây này cao lắm, hoa cũng đặc biệt

cây hoa thảo cầm viên

Cây chuối thảo cầm viên

Xem thêm: Sài Gòn qua lăng kính của Giang