Nếu bạn yêu thích và muốn tìm hiểu văn hóa của một vùng đất, cách nhanh nhất là ghé thăm bảo tàng. Thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn – Gia Định xưa có hơn 12 bảo tàng. Không có lượt khách tham quan đông như Bảo tàng Chứng Tích Chiến Tranh, không đậm chất nghệ thuật như Bảo Tàng Thành Phố, Bảo Tàng Lịch Sử đặc biệt theo một cách riêng.

Mình lựa chọn ghé thăm nơi này cho ngày nghỉ thay vì đi xem phim, cà phê như bình thường. Vừa muốn đổi gió vừa muốn có thêm trải nghiệm đặc biệt hơn, ý nghĩa hơn. Trước khi đến Bảo tàng Lịch Sử, mình có tìm hiểu thông tin và nhận ra: Thật tiếc khi không biết đến nơi này sớm hơn.

Mục lục

  1. Từ bề dày lịch sử của Bảo Tàng
  2. Kiến trúc độc đáo hiếm có của Bảo Tàng Lịch Sử Thành Phố
  3. Đến cổ vật quý giá được trưng bày tại Bảo Tàng Lịch Sử TP.HCM
  4. Ghé thăm Bảo Tàng và những trải nghiệm đặc biệt

Từ bề dày lịch sử của Bảo Tàng

Có thể nói đây là bảo tàng đầu tiên của Sài Gòn và của cả miền Nam Việt Nam. Ngay khi Thực dân Pháp đánh chiếm Lục Tỉnh Nam Kỳ và bắt đầu xây dựng bộ máy gồm các ủy ban nghiên cứu bản địa phục vụ quá trình khai thác thuộc địa, hoạt động thu thập cổ vật Đông Dương do tướng De La Grandière chỉ huy cũng được triển khai. Các cổ vật này được trưng bày cho công chúng xem từ năm 1868, lần đầu tại Bách Thảo Sài Gòn – Thảo Cầm Viên ngày nay.

Đó cũng chính là hoạt động bảo tàng đầu tiên ở Miền nam.

Mãi đến năm 1929, Bảo tàng Blanchard de la Brosse (Tên ban đầu của Bảo tàng Lịch Sử) mới chính thức được xây dựng và hoạt động trong khuôn viên Thảo Cầm Viên. Bảo Tàng lúc này thuộc quyền quản lý của Hội Nghiên Cứu Đông Dương, các đời Giám Thủ Bảo Tàng đầu tiên đều là người Pháp. Nhiệm vụ chính của Bảo tàng là tập trung, gìn giữ và bảo quản các cổ vật.

Đến năm 1954, thực dân Pháp rút đi, Bảo tàng thuộc quyền quản lý của Chính quyền Sài Gòn, lúc này nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển làm Quyền Giám Thủ, nhân viên người Pháp cũng dần bị thay thế. Bảo tàng đổi tên thành Viện Bảo Tàng Quốc Gia. Sau năm 1975, bảo tàng chính thức mang tên Bảo Tàng Lịch Sử TPHCM.

Cổng bảo tàng Lịch sử Thành Phố Hồ Chí Minh Cổng chính của Bảo Tàng Lịch Sử nằm ngay lối ra vào của Thảo Cầm Viên

Kiến trúc độc đáo hiếm có của Bảo Tàng Lịch Sử Thành Phố

Năm 1928, tòa nhà đầu tiên của bảo tàng được xây dựng do kiến trúc sư người Pháp Auguste Delaval thiết kế,mang đậm vẻ cổ kính Đông Dương, là sự kết hợp của kiến trúc Châu Âu và nét độc đáo của bản địa, phong cách này khá thịnh hành những năm 1920 – 1945.

Điểm nhấn của kiến trúc Bảo tàng chính là khối lầu bát giác ở trung tâm, là trục đối xứng cho hai dãy nhà hai bên. Lầu bát giác này còn mang quan niệm về bát quái trong Kinh Dịch. Bên cạnh đó, chi tiết hoa văn trang trí trên trần nhà, mái, cửa sổ cũng khá công phu, kết hợp văn hóa Đông – Tây. Tòa nhà sau của Bảo tàng được xây dựng tiếp nối tòa nhà cũ, tạo thành khối chữ U do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế.

Lầu Bát quái Bảo Tàng Lịch sử

Không những có giá trị về lịch sử, nghệ thuật, tòa nhà của bảo tàng cũng phát huy công năng là nơi bảo tồn cổ vật như nền nhà cao, tường dày chống ẩm và chịu lực tốt, trần nhà cao và hệ thống cửa hợp lý để gian phòng luôn có ánh sáng tự nhiên….

Khoảng sân của bảo tàng lịch sử

Bảo Tàng lịch sử TPHCM còn được công nhận là Di sản kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Dãy nhà bảo tàng lịch sử

Đến cổ vật quý giá được trưng bày tại Bảo Tàng Lịch Sử TP.HCM

Từ cửa đi vào, bạn sẽ được hướng dẫn rẽ trái và bắt đầu tham quan. Từ đây bạn được dạo qua các thời kỳ lịch sử từ cổ đại đến các triều đại phong kiến và lịch sử hiện đại của nước nhà nói chung và vùng đất Phương Nam nói riêng.

Bên trong bảo tàng lịch sử

Cổ vật được trưng bày ở Bảo tàng lịch sử TPHCM

Cổ vật ở Bảo tàng lịch sử

Tham quan Bảo tàng lịch sử thành phố

Cổ vật Bảo Tàng lịch s

Đi dạo bảo tàng lịch sử thành phố tphcm

Bảo tàng lịch sử thành phố HCM trưng bày cổ vật

Với hơn 37.000 cổ vật, bảo tàng lịch sử tập trung cung cấp cho khách tham quan thông tin về văn hóa – lịch sử. Bạn dễ dàng bị cuốn hút bởi các mẫu đồ thủ công mỹ nghệ cổ của Văn hóa Champa, Óc Eo xưa,.. Cho đến lễ phục của vua chúa thời phong kiến. Tất cả đều còn nguyên vẹn và rất tinh xảo.

Gian giữa của tòa nhà bảo tàng lịch sử thành phố

Ghé thăm Bảo Tàng và những trải nghiệm đặc biệt

Đây là lần đầu tiên mình đến Bảo tàng lịch sử. Mình muốn tận mắt nhìn thấy súng thần công, đại bác cổ. Chị mình – bạn đồng hành của mình, lại muốn thăm xác ướp. Đây cũng là lần đầu mình tận mắt nhìn thấy xác ướp.

Xác Ướp Xóm Cái được khai quật vào năm 1994 tại quận 5 TP HCM, đây được coi là xác ướp còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu, xác ướp này có từ thời nhà Nguyễn, là một nữ quý tộc. Giai thoại về việc khai quật xác ướp này bạn có thể tìm đọc trên các báo. Nói chung là như trong phim. Bạn nào yếu bóng vía quá thì cân nhắc vào xem nhé ! Hôm mình đi, trẻ em với phụ nữ chẳng ai vào ngoài hai chị em mình.

Còn về súng thần công, mình không được xem vì đang bảo dưỡng. Đành hẹn lần sau vậy.

Mình thăm bảo tàng hậu dịch Covid 19. Nhân viên lịch sự và thân thiện lắm, lúc mình vào cũng gần hết giờ thăm quan sáng, chị bán vé bảo mình giữ vé, chiều quay lại cũng được. Đi loanh quanh, mình còn nghe loáng thoáng nhân viên nói chuyện với nhau : Lâu lắm mới có khách đông như vậy. Nghe thấy xót xa thiệt sự.

Mình sẽ ghép Bảo tàng thêm lần nữa, nhất định luôn. Bảo tàng cũng có chương trình khuyến mãi giảm 30% tiền vé vào cổng vào 1 ngày trong tuần, hình như là thứ tư thì phải. Mình để địa chỉ và giá vé vào cửa để bạn tham khảo nhé!

Sơ đồ bảo tàng lịch sử

Bên ngoài bảo tàng lịch sử TPHCM Bên ngoài Bảo Tàng Lịch Sử có góc này mình thấy cũng rất đẹp

Bảo tàng Lịch Sử Thành Phố Hồ chí Minh Lần đầu chụp chế độ Padaroma hơi thất bại xíu

Bảo tàng Lịch Sử Thành phố Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phường Bến Nghé, Quận 1 ( Vào Thảo Cầm Viên, Bảo Tàng đối diện đền thờ Vua Hùng)

Giá vé: 30K/ người

Update năm 2022: Vé chụp ảnh bằng máy: 40k/máy mua ở ngay cửa vào.

Xem thêm: Bài viết về Sài Gòn qua lăng kính của Giang