Tình cờ xem được một vài tấm ảnh được chụp cách đây gần trăm năm của đường Đồng Khởi – TPHCM, mình chợt nhớ lại dự định dang dở. Đó là làm một tour đi bộ - khám phá con đường Catinat xưa, đường Đồng Khởi ngày nay.

Mục lục

  1. Lần đầu tiên đi bộ hết con đường Đồng Khởi
    1. Tôn Đức Thắng – Đồng Khởi: Mình dừng lại đoạn giao nhau này lâu hơn cả.
    2. Ngô Đức Kế - Đồng Khởi
    3. Mạc Thị Bưởi – Đông Du - Đồng Khởi
    4. Nguyễn Thiệp – Đồng Khởi
    5. Công Trường Lam Sơn – Lê Lợi - Đồng Khởi
    6. Lê Thánh Tôn – Đồng Khởi
    7. Lý Tự Trọng – Đồng Khởi
  2. Khách sạn trên đường Đồng Khởi, những cái tên gần trăm tuổi
    1. Khách sạn Majestic
    2. Khách sạn Grand
    3. Khách sạn Continental

Lần đầu tiên đi bộ hết con đường Đồng Khởi

Đường Đồng Khởi chỉ dài 650m. Nếu một ngày buồn chán, bạn muốn sống chậm, dạo chơi và ngắm nhìn phố xá Sài Gòn, hãy thử một lần đi bộ hết con đường này. Từng góc phố, tòa nhà và nhịp sống ở nơi hoa lệ nhất Sài Thành sẽ cho bạn cảm nhận thật khác.

Đầu thế kỷ trước, Catinat – Tự Do – Rue no 16 là những cái tên người Pháp và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đặt cho đường Đồng Khởi ngày nay. Nhiều tư liệu trong và ngoài nước đã cho thấy, con đường từ Bến Sông Sài Gòn đến Nhà Thờ Đức Bà được xem là nổi tiếng xa hoa nhất lúc bấy giờ.

Đường Đồng Khởi-Tôn Đức Thắng thời Pháp Hình ảnh Ngã ba Đường Đồng Khởi – Tôn Đức Thắng của thế kỷ trước. Nguồn ảnh: Nhan’s Blog

Tôn Đức Thắng Đồng Khởi Ngã ba đầu đường Đồng Khởi ngày nay

Ngay từ khi có mặt ở Thành Gia Định, người Pháp đã nhanh chóng xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng hiện đại. Vậy nên chẳng lạ khi khu phố Catinat được chăm chút từ đường tráng nhựa đến xe điện, xe lửa, nhiều tòa nhà có kiến trúc mỹ lệ. Dần dần nơi đây trở thành trung tâm thương mại của thành phố.

Sau hơn 35 năm bị Pháp chiếm đóng, khu phố Catinat mang một vẻ đẹp tương đồng với nhiều thành phố phương Tây. Khách nước ngoài đến đây đều có cảm nhận về Catinat nói riêng và Sài Gòn nói chung như một “Paris của phương Đông”.

Trở lại với chuyến đi bộ của mình. Từ đường Tôn Đức Thắng, gần Bến Bạch Đằng, mình gửi xe trên đường Mạc Thị Bưởi (giá vé 5.000đ/ lượt) và bắt đầu hành trình.

Tôn Đức Thắng – Đồng Khởi: Mình dừng lại đoạn giao nhau này lâu hơn cả.

Căn nhà số 1 đường Đồng Khởi chính là Khách sạn Majestic ngày nay. Chủ nhân của khách sạn này cũng là chủ của Dinh thự Nhà chú Hoả (Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành phố ngày nay).

Đối diện khách sạn Majestic là quán cà phê Ru Nam. Vào những năm 1800, nó có tên gọi là Café de la Rotonde, địa điểm lui tới quen thuộc của giới Thượng lưu Sài Gòn lúc bấy giờ. Đây cũng là quán cà phê có view đẹp nhất khi hướng ra Sông Sài Gòn lộng gió.

Số 2 đường Đồng Khởi xưa Căn nhà số 2 Đồng Khởi, Café de la Rotonde ngày ấy. Nguồn ảnh: Nhan’s Blog

Tòa nhà số 2 đường Đồng Khởi Và bây giờ

Có một ‘khám phá’ thú vị nho nhỏ của mình khi canh góc chụp hình khu này. Để chụp cả 2 dãy nhà số 1 và số 2, mình phải qua đường Tôn Đức Thắng (Chỗ bến Bạch Đằng). Đường thì đông mà đợi mãi đèn xanh chả thấy chuyển sang đỏ.

Nút xin đường Cột đèn tín hiệu giao thông với nút xin đường xịn xò

Một lúc sau, vô tình ngắm cây cột điện mình phát hiện ra nút xin đường. Xịn như Singapore luôn! Nhấn nút, đợi nó chuyển sang màu xanh thì xe cộ dừng lại nhường mình qua thật. Tự nhiên mình thấy vui vui phấn khởi hẳn lên.

Ngô Đức Kế - Đồng Khởi

Ngã tư đầu tiên trên đường Đồng Khởi nổi tiếng với khách sạn Grand, mới đây có quán cà phê Cô Ba Sài Gòn concept vintage.

Ngã tư ngô đức kê Ngã tư Ngô Đức Kế - Đồng Khởi

Mạc Thị Bưởi – Đông Du - Đồng Khởi

Kế đến là khúc giao với đường Mạc Thị Bưởi rồi đến Đông Du. Đoạn này mình thấy ấn tượng với những quán cà phê, nhà hàng xinh xắn ngay từ bên ngoài.

Cafe đường Mạc Thị Bưởi Một quán cà phê tất nập khách ra vào trên đường Mạc Thị Bưởi giao Đồng Khởi

Nguyễn Thiệp – Đồng Khởi

Đi bộ bên trái đường, mình thấy được một góc phố hơi hướng cũ kỹ. “Nhờ” dịch Covid đã biến nơi nhộp nhịp khách ra vô như quầy đổi ngoại tệ, giờ im lìm, vắng vẻ.

Nguyễn Thiệp - Đồng Khởi Ngã tư Nguyễn Thiệp giao Đồng Khởi

Góc phố Nguyễn Thiệp Một góc phố Nguyễn Thiệp xưa cũ

Công Trường Lam Sơn – Lê Lợi - Đồng Khởi

Có thể nói, nơi đây chứng kiến bao đổi thay của Sài Gòn trong hơn thế kỷ qua. Quảng trường Francis Garnier xưa – Quảng trường Nhà hát lớn ngày nay.

Trung tâm của Quảng Trường chính là Công trình Nhà Hát Lớn Thành Phố.

Quảng Trường Lam Sơn

Không may cho mình, khi ghé thăm nó đúng dịp có buổi biểu diễn lớn. Người ta sử dụng phần cửa chính của Nhà Hát cho sân khấu. Do vậy, mình chẳng thể chụp được tấm hình nhà hát thật tử tế như mong muốn.

Cách đây trăm năm, nơi này có Nhà Hát, quán cà phê, khách sạn, hiệu thuốc, bánh mỳ kiểu Pháp và cả trạm xe điện. Luôn tấp nập xe cộ, người qua lại. Nhìn ảnh cũ mình thấy nơi này đã từng rất giống thị thành phương Tây.

Quảng Trường Nhà Hát Xưa Công Trường Lam Sơn thời Pháp thuộc. Nguồn ảnh: Nhan’s Blog

Quảng Trường Nhà hát lớn ngày nay Quảng trường Nhà hát Lớn ngày nay

Bên hông nhà hát lớn Bên hông Nhà hát Lớn

Trên khu đất của Café de la Terrase năm 1957, công trình khách sạn Caravelle - nhà đầu tư lớn nhất là Air France đã chính thức khởi công xây dựng. “Caravelle” cũng là tên một loại máy bay của hãng này. Đến năm 1959 thì khách sạn này hoàn thành và khai trương vào đêm giáng sinh năm ấy.

Một điều thú vị là đến tận ngày nay, tầng trệt của khách sạn Caravelle vẫn có quầy bán vé máy bay của hãng hàng không Air France.

Văn phòng AirFrance Văn phòng hãng hàng không AirFrance tại khách sạn Caravelle

Lê Thánh Tôn – Đồng Khởi

Ngã tư Catinat – D’Espange ngày xưa nổi tiếng với thương xá Eden, công viên Chi Lăng và tiệm cà phê La Pagode – Nơi lui tới của giới nghệ sĩ, trí thức Sài Thành. Ngày nay nơi này nổi bật với tòa nhà Parkson Lê Thánh Tôn và khu vườn tiểu cảnh trước Vincom B.

Ngã tư lê thánh tôn Đồng khởi

Lý Tự Trọng – Đồng Khởi

Một địa điểm không thể không nhắc đến ở nút giao Lý Tự Trọng – Đồng Khởi, đó chính là Dinh Thượng Thơ trước kia – Sở Thông Tin Truyền Thông Thành Phố ngày nay.

Cổng Dinh Thượng Thơ Cổng Dinh Thượng Thơ xưa và bây giờ là sở Thông tin của thành phố

Dinh Thự hơn 160 tuổi này là tòa nhà cổ thứ hai tại Sài Gòn. Đến nay nhìn chung tòa nhà vẫn giữ được kiến trúc Pháp tinh tế từ vòng cửa, cầu thang gỗ đến ô thông gió. Năm 2018 thì phải, dự án tháo gỡ tòa nhà cổ này vấp phải tranh cãi lớn từ cộng đồng.

Kiến trúc dinh thượng thơ Dinh Thượng Thư còn giữ nét kiến trúc Pháp đặc trưng. Ảnh: Vnexpress

Nếu không bảo tồn, lại tháo gỡ xây mới Dinh Thượng Thơ thì người yêu Sài Gòn đau lòng ngang với việc chặt hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng vậy. Ơn trời, dự án đó đã ngưng lại. Cá nhân mình chỉ mong chính quyền trả lại địa điểm ấy về đúng chức năng như một địa điểm tham quan, giáo dục văn hóa, thay vì làm tòa nhà công vụ như bây giờ.

Kết thúc tour, mình vòng lại đường Lê Thánh Tôn, ra Nguyễn Huệ và đi ngược lên điểm khởi đầu lấy xe, cho đỡ nhàm chán và tham quan thêm phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Có thể bạn quan tâm: Bưu Điện Thành Phố, dấu ấn diễm lệ của Sài Gòn xưa

Khách sạn trên đường Đồng Khởi, những cái tên gần trăm tuổi

Khi những quán cà phê, tiệm bánh mỳ, hiệu thuốc tây dần dần thay thế bằng các cao ốc trung tâm thương mại, chỉ một vài khách sạn trên đường Đồng Khởi lại giữ nguyên vị trí và dáng vẻ của mình sau gần trăm năm.

Khách sạn Majestic

Công trình này được xây dựng vào năm 1925, thuộc quyền sở hữu của người giàu nhất Sài Gòn lúc bấy giờ - Ông Hứa Bổn Hòa (Chú Hỏa). Khách sạn Majestic được thiết kế theo phong cách kiến trúc thời Phục Hưng đang thịnh hành. Sau khi hoàn thành, đây được xem là khách sạn sang trọng và xa hoa nhất thời điểm ấy.

Khách sạn Majestic xưa Khách sạn Majestic những năm đầu. Nguồn ảnh: Nhan’s Blog

Khách sạn Majestic ngày nay Khách sạn Majestic ngày nay

Trải qua nhiều lần đổi chủ và công năng sử dụng, năm 1965, theo đồ án cải tạo của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ - Người thiết kế và thi công Dinh Độc Lập mới, khách sạn Majestic được mở rộng thêm 2 tầng nữa.

Khách sạn Majestic ngày nay hướng ra sông Sài Gòn, đạt chuẩn 5 sao với công suất phục vụ hơn 500 phòng.

  • Địa chỉ: Số 1 Đồng Khởi, Quận 1, TPHCM
  • Giá phòng tham khảo: vào khoảng 60-200 USD/phòng/đêm

Khách sạn Grand

Năm 1928, Ông Henry Edouard de Lachevrotière – Tổng biên tạp chí Pháp La De Peach nổi tiếng vào những năm 1940 đã có được giấy phép xây dựng khách sạn Grand Hotel Saigon.

Khách sạn Grand thời Pháp Khách sạn được đặt tên Saigon Palace rồi Sài Gòn Lữ Quán. Nguồn ảnh: Nhan’s Blog

Khách sạn Grand ngày nay Và khách sạn Grand ngày nay

Trải qua nhiều năm, nhiều thời kỳ, khách sạn này lần lượt được đổi tên thành Saigon Palace rồi Sài Gòn Đại Lữ Quán và Grand Hotel như ngày nay.

  • Địa chỉ: Số 8 Đường Đồng Khởi, Quận 1, TPHCM
  • Giá phòng tham khảo: khoảng 55 – 150 USD/ phòng/đêm

Khách sạn Continental

Nằm cạnh Nhà Hát Lớn là khách sạn Continental. Năm 1878, thương gia người Pháp Pierre Cazeau đã khởi công xây dựng công trình này và hoàn thành trong hai năm sau đó.

Khách sạn Continental xưa Khách sạn Continental xưa. Nguồn ảnh: Nhan’s Blog

Khách sạn Continental ngày nay Hình ảnh khách sạn Continental hôm nay

Khách sạn lúc này có tên là Grand Hotel Continental. Sau nhiều lần sang chủ là những thương nhân, quý tộc người Pháp, khách sạn Continental từng là nơi lui tới của nhiều trí thức, thương gia và chính khách ngoại quốc.

Vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, khách sạn Continental được đổi tên thành Đại Lục Lữ Quán, trước khi mang tên Hotel Continental Saigon như ngày nay.

  • Địa chỉ: Số 134 Đồng Khởi, Quận 1, TPHCM.
  • Giá phòng tham khảo: 50-200 USD/phòng/đêm

Còn tiếp,…