Kỹ năng research cho content writer | Tìm kiếm, nghiên cứu và viết
Nhiều bạn trẻ mới vào nghề content thường thắc mắc: bản thân chưa biết gì về ngành A, chưa từng dùng sản phẩm B liệu có làm content marketing cho nó được không? Câu trả lời là được, nếu bạn chịu bỏ thời gian và công sức nghiên cứu, học hỏi. Vậy nghiên cứu như thế nào để có hiệu quả nhất, hãy theo dõi bài chia sẻ này của mình nhé!
Mục lục
- Điều làm nên sự khác biệt của mỗi content writer: Ý thức tự học, tự nghiên cứu
- Cách thức để research đạt hiệu quả cao cho người làm nội dung quảng cáo
- Tham khảo, học hỏi hay sao chép?
- Đừng ngại cái mới! Hãy học hỏi mỗi ngày!
Điều làm nên sự khác biệt của mỗi content writer: Ý thức tự học, tự nghiên cứu
Không riêng gì nghề làm nội dung, để tiến bộ nhanh chóng và có chuyên môn vững chắc, người làm nghề bắt buộc phải luôn luôn trau dồi, luôn luôn học hỏi. Nếu rời khỏi trường đại học và ngừng học, theo thời gian bạn sẽ bị tụt lại và bị đào thải trên thị trường lao động ngày càng khắc nghiệt.
Người quản lý và khách hàng sẽ đánh giá được ngay trình độ của tác giả thông qua sản phẩm quảng cáo họ tạo ra. Bạn sẽ chẳng qua mắt được người đọc, nhất là nhóm đối tượng am hiểu lĩnh vực đó. Còn với đối tượng người chưa biết nhiều, họ đọc bài hướng dẫn của bạn chẳng hạn và thực hiện theo, rồi nhận được kết quả sai, họ sẽ không bao giờ tin bạn nữa.
Có nhiều bạn nhầm lẫn rằng thông tin có đầy trên Google, bạn chỉ cần “bê” về là được, không cần tốn nhiều công sức đọc hiểu, nghiên cứu làm gì. Tư tưởng này khiến cho nội dung blog website bây giờ nhan nhản nội dung sai, lỗi ngớ ngẩn như hình bên dưới vì các bạn làm nội dung nhưng không có kiến thức cơ bản, nền tảng.
Bài viết về dịch vụ tư vấn mở quán cà phê, mà người viết không phân biệt nổi barista và bartender thì làm sao khách hàng tin tưởng được
Nội dung quảng cáo hay trước hết phải đúng. Để viết đúng bạn cần phải đọc nhiều và học nhiều. Trường lớp, các khóa học chỉ giúp bạn có kiến thức căn bản còn lại để đạt đến trình độ cao hơn trong nghề, bạn nên chủ động học tập.
Một content writer chỉ cần là chuyên gia trong 1 – 2 lĩnh vực cũng đủ để bạn tiến xa trong nghề rồi. Thời gian đầu mới vào nghề, bạn có thể viết nhiều lĩnh vực và format nội dung, nhưng khi đã có kinh nghiệm, đa số người làm nội dung quảng cáo đều chỉ tập trung vào một số dạng nội dung cũng như lĩnh vực thế mạnh của mình mà thôi.
Cách thức để research đạt hiệu quả cao cho người làm nội dung quảng cáo
Trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ gợi ý cho bạn – người mới vào nghề content writer và copywriter một số cách để research trước khi viết nội dung.
**Nguyên tắc bạn cần tuân thủ: Đi từ khái niệm cơ bản đến quá trình phát triển, mở rộng vấn đề và cập nhật trạng thái mới nhất.
Đối với content writer, công việc chính của bạn xoay quanh những format nội dung chỉnh chu, big content, do đó, khi bắt đầu viết bài cho sản phẩm nào đó, bạn buộc phải thực hiện research đúng theo Nguyên tắc trên.
- Ví dụ: Khi bạn viết nội dung cho sản phẩm máy pha cà phê, bạn cần phải biết các khái niệm cơ bản như máy 1 group, 2 group, máy pha cà phê viên nén, máy pha cà phê cho quán khác gì với máy dùng trong gia đình, các hãng nổi tiếng, các loại cà phê nhân, loại cà phê trong menu, barista khác gì với bartender hay cửa hàng flagship là gì, hệ thống franchise là sao….
Đọc thật nhiều tài liệu và take note các nội dung quan trọng trước khi bắt đầu viết nội dung. Nguồn ảnh: support.vitalsource.com
Chỉ cần sau một thời gian tìm hiểu, bạn đọc bất kỳ một bài viết nào về ngành hàng FnB bạn đều hiểu, mà không cần tra cứu khái niệm thì bạn có tiến bộ rồi đấy.
Do đó, bước đầu tiên để nghiên cứu đó chính là search một số bài viết về ngành -> highlight những khái niệm chưa hiểu -> research để hiểu, note lại nếu cần -> Quay lại đọc tài liệu một lần nữa sau khi đã nắm rõ khái niệm.
Bước tiếp theo, bạn cần mở rộng phạm vi nghiên cứu để tìm hiểu rộng hơn về ngành hàng. Cũng từ ví dụ viết bài bán máy pha cà phê, các khai niệm về nguyên liệu, thành phẩm pha được và cửa hàng, quán cà phê chính là nội dung liên quan mà bạn cần phát triển đến đáp ứng trọn vẹn nhu cầu người đọc.
Và cuối cùng, bạn cần cập nhật tin tức mới của ngành hàng. Hiện tại, cá nhân mình thường tìm kiếm các hội nhóm, group Facebook, blog của KOLs trong ngành để đọc. Nhất là group Facebook, bạn join vào, đọc bài của member mà hiểu được họ đang bàn luận về vấn đề gì là một bước tiến rồi đấy.
Sau khi đã nắm nguyên tắc này, mình sẽ gợi ý cách làm chi tiết hơn ở bên dưới.
Research để viết bài blog, content SEO
Ở giai đoạn đầu, bạn sẽ được giao cho list keyword để viết bài. Nếu chưa từng nghiên cứu về lĩnh vực cũng như nhóm keyword này, bạn có thể áp dụng trình tự research sau của mình:
Các bài viết content SEO đòi hỏi chỉnh chu về hình thức và giàu thông tin. Nguồn ảnh: zoho.com
-
Bước 1: Bê nguyên keyword đi search Google
-
Bước 2: Đọc hết tất cả các bài trong trang 1 kết quả trả về
-
Bước 3: Note lại các angle mà 5 – 10 bài đó triển khai cho keyword
-
Bước 4: Tra cứu các khái niệm và thuật ngữ được sử dụng mà bạn chưa hiểu.
-
Bước 5: Quay lại bước 3. Chọn lọc và sắp xếp các angle, chuyển nó thành outline với các thẻ heading mà bạn muốn viết cho bài của bạn.
Đây là các bước cơ bản, khi áp dụng bạn sẽ gặp các tình huống sau đây:
Search nguyên keyword nhưng không ra kết quả hoặc kết quả không đáp ứng đúng thông tin thì làm sao?
Thay đổi keyword. Bạn dùng từ đồng nghĩa hay chia nhỏ angle xung quanh từ khóa đấy hoặc dùng tiếng Anh chẳng hạn. Theo kinh nghiệm của mình, có những keyword bạn search tiếng Việt có rất ít thông tin. Lý do có thể volume không cao nên người ta không đầu tư viết bài. Nếu bạn chuyển qua tiếng Anh bạn sẽ thu được nhiều thông tin từ nhiều nguồn. Công việc của bạn lúc này là chắt lọc lại thông tin mình cần và viết lại theo cách bạn hiểu là được.
Xem thêm: Bài viết chuẩn SEO
Muốn bài viết unique và nổi trội thì phải làm thế nào?
Nếu chỉ viết lại những thông tin có sẵn trên trang 1 kết quả tìm kiếm thì bài viết của bạn sẽ không thể cạnh tranh nổi. Muốn bài của mình nổi bật hơn, bạn không chỉ học hỏi từ những bài trên top mà còn phải cập nhật thêm thông tin mới, hữu ích cho bài của mình.
Muốn làm được điều này, ở bước 3, bước 4 bạn cần tra cứu thêm trên các diễn đàn, hội nhóm. Không chỉ tìm keyword được giao mà bạn còn search mở rộng keyword đó thêm (gọi là keyword phụ) để làm giàu thêm thông tin cho từng heading.
- Ví dụ: keyword “chiến lược kinh doanh quán café”. Sau khi search bạn chọn các angle: sản phẩm, không gian, dịch vụ, quản lý và các quy tắc. Mỗi angle bạn search thêm để tìm và chọn lọc lại thông tin. Ví dụ như “menu nước uống cho quán café như thế nào để kinh doanh hiệu quả?”
Tham khảo từ kết quả tìm kiếm trên Google
Mình đảm bảo với bạn đây là 2 câu hỏi bạn sẽ gặp khi ứng tuyển vào vị trí content SEO. Người hỏi bạn câu này sẽ là leader, làm việc hàng ngày với bạn. Nếu trả lời theo đúng tinh thần mình chia sẻ, bạn sẽ dễ dàng vượt qua vòng phỏng vấn.
Và để nâng tầm bài viết của mình hơn nữa, bạn cần đọc và tìm hiểu nhiều về chủ đề ngành đó. Ở phần sau mình có chia sẻ công thức triển khai nội dung dựa theo thông tin đã có mà vẫn đảm bảo bài viết có đẳng cấp riêng.
Để khép lại phần chia sẻ về cách research cho content SEO, mình tặng bạn 7 chủ đề/pillar phổ biến nhất cho blog/website, không lo thiếu cái để viết đâu. Đó là:
-
Tin tức, thời sự
-
Hướng dẫn cách làm
-
Kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế
-
Review sản phẩm dịch vụ
-
Phân tích case study
-
Toplist
-
Phỏng vấn khách hàng, KOLs
Research để viết content ads, content cho các trang social
Nếu content SEO đòi hỏi hình thức chỉnh chu cho từng câu chữ thì content cho các nền tảng social đòi hỏi không chỉ là chữ mà còn về hình ảnh, âm thanh. Những câu headline, tagline cuốn hút đi cùng hình ảnh chất lượng là điều mà nhiều copywriter luôn luôn mong muốn. Vậy khi đảm nhận công việc này, bạn cần research như thế nào?
Có một quan niệm rằng làm content cho social không cần phải đọc nhiều, chỉ cần lướt newfeed bắt trend là được. Suy nghĩ này rất tai hại về lâu dài nếu bạn làm content cho doanh nghiệp. Bạn cần nghiên cứu đọc hiểu các bước như content SEO, chỉ là không cần viết nhiều như vậy. Cái chính là bạn phải hiểu được khái niệm cơ bản về ngành và giá trị cốt lõi của sản phẩm. Từ đó bạn tìm tòi cách thể hiển sao cho người xem không bỏ qua bài viết của bạn sau 3s.
Để biết xem mọi người đang quan tâm đến gì, đừng quên Google Trends
Không phải làm social cho sản phẩm nào cũng bắt trend. Mình rất mong các bạn làm nghề hiểu được điều này. Lồng ghép câu nói hay meme đang là trend chỉ phát huy tác dụng khi người xem cũng hiểu và biết đến nó, còn không nó sẽ là thảm họa. Một nhà hàng cao cấp, một brand thực phẩm chức năng ngoại nhập hay máy lọc nước khử độc thì đối tượng khách hàng của bạn không thể biết được những câu trending từ chương trình Rap Việt, chẳng hạn.
Có thể bạn quan tâm: Kinh nghiệm viết bài PR
Vậy làm sao để research ra cách thể hiện trên social media hiệu quả?
Ở bài viết này mình chia sẻ cách nghiên cứu cho content trên nền tảng Facebook còn các trang mạng xã hội về video như Youtube, Tik Tok khi nào mình làm thành công, mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm sau nhé!
Tất cả mạng xã hội hay ứng dụng di động bây giờ đều sử dụng công nghệ AI (Artificial intelligence – Trí tuệ nhân tạo) để phân loại và cá nhân hóa từng người dùng rồi đề xuất nội dung phù hợp với từng đối tượng đó.
Vậy nên bạn muốn biết đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn muốn xem gì và đã xem những gì trên Facebook, bạn cần setup lại tài khoản Facebook cá nhân của bạn theo đặc điểm giới tính, tuổi và sở thích như khách hàng của bạn. Ví dụ: Bạn đang xây kênh Fanpage, Group hay nick cá nhân cho thương hiệu mỹ phẩm cao cấp. Bạn cần set nick của bạn là nữ, tuổi 35 và like các trang mỹ phẩm, làm đẹp, mua sắm online, …
Đừng quên kho ý tưởng quảng cáo Pinterest
Khi bạn càng tương tác với mẫu quảng cáo về mỹ phẩm, newfeed của bạn sẽ ngập tràn bài viết đề xuất về mỹ phẩm. Việc của bạn là xem thị trường người ta đang làm cái gì và có hiệu quả hay không. Bạn hãy chăm chỉ tương tác, Facebook sẽ đề xuất quảng cáo tốt hơn nữa cho bạn. Ngoài ra bạn có thể join vào group cộng đồng của phụ nữ như Yêu Bếp, Review Mỹ phẩm để xem thứ phụ nữ quan tâm đến điều gì, họ thích hình ảnh và giọng văn như thế nào.
Hãy tạo thói quen xem Library ads của Facebook Link: https://www.facebook.com/ads/library/
Chỉ cần nhập từ khóa hay tên brand đối thủ là bạn có thể xem được các bài viết đang được chạy quảng cáo. Hãy tham khảo để có thể gợi ý tốt cho nội dung ads của mình.
Hãy ghé thường xuyên hơn Library Ads của Facebook
Và cuối cùng, hãy cố gắng tham gia các cộng đồng lớn về content social cũng như marketing về ngành hàng đó để học hỏi thêm kinh nghiệm.
Có thể bạn quan tâm: Cách viết nội dung mô tả sản phẩm
Tham khảo, học hỏi hay sao chép?
Nội dung về cách research mình đã chia sẻ hết ở trên, ở hai heading cuối này, mình dành để nói nhiều hơn về mindset làm nghề content marketing nói chung. Có thể “trường phái” white hat mình theo đuổi không “được lòng” các sếp, nhưng để có career path lâu dài, không ăn xổi thì bạn có thể tham khảo.
Nếu là độc giả theo dõi blog Vegiang.com, bạn sẽ nhận ra mình không bao giờ khuyến khích bạn tạo nội dung “rác” trên trang tìm kiếm. Như thế nào là nội dung “rác”? Là bạn xào lại bài đã có, bạn copy y chang nội dung, dù không biết nó đúng hay sai như thế nào. Định hướng làm nội dung website như vậy không bền vững, trang của bạn sẽ bị report bất cứ lúc nào. Là người dùng Google, mình không ít lần bực bội vì tìm kiếm từ khóa, mà kết quả trả về 5 bài trang đầu nội dung y nhau, thông tin vừa cũ vừa không đúng cái mình cần.
Sao chép nguyên content khiến môi trường Internet bớt thân thiện. Cùng từ khóa hai kết quả đầu tiên bị trùng nội dung
Bạn tham khảo thành phẩm của người khác rồi học hỏi cái hay và tránh cái chưa hay của người ta, nhưng đừng bê nguyên về làm của riêng cho mình. Nội dung của bạn không có gì khác biệt lại còn ra đời sau, người dùng sẽ không có lý do gì để chọn bạn.
Mình thường áp dụng cách sau khi buộc phải sử dụng thông tin/ nội dung đã có sẵn kể viết bài:
Đưa thông tin tổng hợp được –> kèm theo dẫn chứng thực tế để khẳng định lại -> Suy nghĩ / phân tích của cá nhân
Hãy học hỏi và biến chúng thành hiểu biết của mình, rồi truyền tải lại cho người dùng một cách tốt nhất.
Có thể bạn quan tâm: Cách viết nội dung eBook
Đừng ngại cái mới! Hãy học hỏi mỗi ngày!
Hiếm có content writer nào ngay từ đầu đã là chuyên gia về ngành hay sản phẩm nào đó, họ cũng phải bỏ thời gian ra nghiên cứu, tìm hiểu. Thực tế cho thấy để viết nội dung quảng cáo cho bất kỳ sản phẩm, ngành hàng, dịch vụ nào, bạn phải là người am hiểu nó nhất trong công ty. Bạn không hiểu sâu rộng và không tin tưởng vào sản phẩm hay thương hiệu thì bạn sẽ không thể nào truyền đạt đúng thông điệp đến người tiêu dùng, khách hàng.
Mình may mắn từng cộng tác với một nhãn hàng, họ đào tạo cho mình đầy đủ về sản phẩm và thương hiệu của họ. Sau đó họ cho mình thời gian để tự tìm hiểu và kết thúc bằng một bài test, có chấm điểm đàng hoàng. Nếu người đứng đầu doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của việc truyền thông nội bộ thì chính bản thân bạn – người làm nội dung- cần chủ động làm điều đó cho chính mình.
Tinh thần chủ động ấy rất đáng quý trong môi trường làm việc. Tuy nhiên chủ động học hỏi ở đây không chỉ dừng lại ở việc “không biết cái gì thì đi hỏi”. Bởi ở đấy không ai có bổn phận phải chỉ dạy bạn từng li từng tí cả. Một trong những điều khiến mình tự hào từ thời đại học đó chính là tinh thần tự học. Mình sẽ minh họa một chút qua ví dụ sau:
Nâng cao giá trị bản thân bằng cách tự học mỗi ngày. Nguồn ảnh: ConnectandSell
Nếu bạn chưa biết kiến thức A để giải quyết vấn đề B, bạn chạy đi hỏi người biết, họ trả lời và bạn “xử” được việc B ngay lập tức. Đổi lại bạn không biết kiến thức A và nếu gặp tình huống tương tự B sẽ khó để bạn tự giải quyết. Ngay cả cách xử lý vấn đề B bạn cũng dần quên mất nếu không được nhắc lại, gợi lại.
Thay đổi cách làm một chút, bạn cần giải quyết B, bạn tự đi research để tìm cách, bạn biết thêm A và vài cách A1, A2 nữa. Tuy hơi lâu, nhưng bạn vừa giải quyết được B vừa có thêm kiến thức. Điều đó khiến bạn nhớ lâu hơn. Nếu như bạn đã nghiên cứu rất lâu rồi vẫn chưa tìm được đáp án, khi bạn đi hỏi người đã biết, chỉ cần họ gợi ý, bạn sẽ biết ngay bạn sai ở đâu và bạn cũng sẽ nhớ kiến thức đó lâu hơn.
Hãy tập thói quen khi gặp vấn đề trong công việc bạn cần tự tìm tòi trước khi hỏi ai đó. Người bạn hỏi cũng tốn ít thời gian giải thích hơn, họ sẽ vui vẻ khi chỉ bảo bạn hơn, đồng thời bạn cũng hiểu biết sâu hơn.
Hy vọng với chia sẻ về chuyện research khi làm công việc content marketing này của mình giúp ích cho bạn. Đây là một trong hơn 10 bài viết về nghề content trên blog vegiang.com, hãy đón xem các bài viết tiếp theo nhé!