Cạnh tuyến đường sầm uất bậc nhất Sài Gòn, ngôi miếu, có tuổi đời hơn 140 năm, thờ đức tin của người Hoa, nằm yên tĩnh cách biệt. Hẳn có ít người biết đến nơi đây, ngay cả mình, sống cách đó tầm 80 số nhà cũng chẳng để ý.

Mục lục

  1. Tình cờ tìm thấy địa điểm văn hóa ngay gần nhà
  2. Tìm kiếm thông tin trên Internet về Miếu Ông Bổn – Miếu Tân Kỳ
  3. Và thực tế ghé thăm

Tình cờ tìm thấy địa điểm văn hóa ngay gần nhà

Một lần tìm kiếm thông tin về các điểm đến văn hóa của TP.HCM, mình phát hiện ra ở Quận Tân Bình có một ngôi miếu được công nhận là Di tích văn hóa cấp thành phố. Ngôi miếu đó nằm gần chỗ mình ở khiến mình tò mò và muốn tranh thủ thời gian ghé qua.

Tìm kiếm thông tin trên Internet về Miếu Ông Bổn – Miếu Tân Kỳ

Nơi có thông tin chi tiết nhất của Miếu Ông Bổn – Miếu Tân kỳ là trang văn hóa thể thao quận Tân Bình. Bài viết tầm 700 từ không có hình minh họa, giới thiệu về di tích này từ lịch sử đến đặc điểm và giá trị văn hóa.

Hình ảnh miếu Ông Bổn trên Google Thông tin trên Google địa điểm

Đoạn thông tin bên dưới khiến mình háo hức ghé thăm:

“Theo bản đồ do Trần Văn Học vẽ năm1815, địa danh Tân Sơn Nhì thuộc Tổng Dương Hòa Thượng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, nằm bên cạnh đường Thiên Lý đi Nam Vang (nay là đường Trường Chinh ).

Làng Tân Sơn Nhì xưa có ấp Tân Kỳ, nơi đây có ngôi miếu thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh; miếu có kiến trúc vì kèo gỗ, mái ngói, bờ nóc mái có lưỡng long (giống như kiến trúc chính điện của các đình) song qui mô nhỏ hơn (không có võ ca, tiền điện, hội sở).

Cả hai ngôi miếu có giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật với vì kèo gỗ gồm: các cột, kèo, xà có chạm khắc, cửa gỗ kiểu thượng song hạ bản, mái miếu đều lợp ngói âm dương, bờ nóc mái trang trí tượng lưỡng long triều nhật, miếu lưu giữ một số di vật, cổ vật có giá trị như các bàn thờ, hoàng phi, liễu cùng một số cổ vật và di vật khác.” (Theo trungtamvanhoathethaotanbinh.vn)

Có thể bạn quan tâm: Điều gì thú vị ở Bảo Tàng Lịch Sử TPHCM

Và thực tế ghé thăm

Có thể nói, giá trị của ngôi miếu này nằm ở kiến trúc và các di vật cổ. Chỉ cần bảo tồn được một phần, miếu Ông Bổn – miếu Tân Kỳ sẽ là điểm đến để du khách hiểu thêm về lịch sử của vùng đất này.

Nhưng thực tế vượt ra mọi sự tưởng tượng, mọi hình dung khi tìm kiếm thông tin trước đó của mình.

Miếu Ông Bổn – Miếu Tân Kỳ nằm trong một con hẻm nhỏ, lọt thỏm giữa khu dân cư, trước cổng còn được trưng dụng để bán đồ ăn sáng. Mình bối rối, đi qua đi lại suy nghĩ có nên vào không. Và rồi mình cũng vào.

Miếu Ông Bổn nằm trong hẻm nhỏ Ngôi miếu nằm trong con hẻm nhỏ

Không còn ngói âm dương, cũng chẳng có lưỡng long triều nhật.

Bước vào bên trong, người chào đón mình là Má Hà (Má xưng với mình như vậy, theo cách nói niềm nở mến khách của người miền Nam). Má Hà bảo mình: Con vào thắp hương cho ông đi.

Mình vào thắp hương, xin phép được tham quan, chụp ảnh. Tiếp sau mình có thấy vài cô chú bán vé số vào xin lộc cho ngày mới bán buôn đông khách.

Ngoài miếu thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, nơi đây còn có gian miếu thờ Ngũ Hành, miếu Tân Kỳ và thờ cụ Hồ Chí Minh. Ngoài bảng thông tin về miếu và bằng công nhận di tích văn hóa, mình để ý ngay lối đi vào còn có bảng tin về các mạnh thường quân đóng góp hương khói cho miếu.

Gian thờ ông Bổn Gian thờ Ông Bổn

Miếu Ngũ Hành

Chính điện miếu Tân Kỳ

Bảng thông tin của miếu Ông Bổn Bảng thông tin còn bị lỗi đánh máy nữa, haizzz

Má Hà kể với mình rằng, ngôi miếu này Má về cải tạo nâng cấp nền lên, chứ trước đây ngập nước tới đầu gối. Mái ngói, gian thờ cũng được Má tu sửa, sau khi hoàn thành mới được Thành phố công nhận.

Mình hỏi có ai giúp Má tu sửa không, Má bảo người ta góp tiền thôi, còn lại Má tự làm.

Má Hà không lập gia đình, giờ cũng gần 80 tuổi, Má là phó quản trị miếu cùng với các sư. Má ở luôn trong miếu còn các sư mỗi tháng xuống vài ngày. Nơi đây cũng là địa điểm làm từ thiện của phường 14.

Quản trị Miếu Ông Bổn Má Hà…

hủ miếu tiêu và hủ muối tiêu Má Hà cho mình, ngại lắm nhưng vẫn nhận cho Má vui.

Tạm kết,

Trên đường về mình có nhiều suy nghĩ. Lại là câu chuyện bảo tồn và quản lý di tích văn hóa. Nếu người quản trị như Má Hà được người làm chuyên môn cố vấn công đoạn bảo tồn thì có lẽ di tích này không bị thay mới hoàn toàn như vậy.

Bên ngoài miếu Ông Bổn Bảng bên ngoài miếu. Địa chỉ miếu: 481/13 Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình.

Việc công nhận trao bằng di tích cấp thành phố hay cấp quốc gia chẳng có ý nghĩa gì nếu cơ quan thẩm quyền không có động thái tuyên truyền và bảo tồn có hiệu quả hơn.

Có lẽ vì thế, mình luôn mong muốn ghé thăm di tích văn hóa cổ thay vì điểm đến mới. Biết đâu đấy, những nơi ấy sẽ chẳng đợi được đến lúc mình đến.

Hãy đón xem những phần tiếp theo trong series Sài Gòn Trong Tôi bạn nhé!