Mỗi người nhìn chung đều như con ếch ở trong giếng …

Quan trọng là cái giếng đó như thế nào và ếch có biết mình chỉ đang ở trong đó hay không mà thôi.

Mục lục

  1. Hệ quy chiếu của cái giếng thời bé
  2. Người lớn ở mãi trong 1 cá giếng liệu có an toàn?

Hệ quy chiếu của cái giếng thời bé

Lúc bé, cuộc sống của bạn gói gọn trong gia đình và trường lớp. Mình cũng vậy, nỗi bận tâm lớn nhất là việc học, thành tích không tốt sẽ kéo mình vào nhiều thứ đau đầu hơn như bố mẹ khó chịu, trên lớp học mình dường như vô hình, không khí sẽ ngột ngạt vô cùng. Do đó, để tránh phiền phức mình lao đầu vào học.

Lúc rảnh rỗi, mẹ mình thường hay kể chuyện con bác này học giỏi ra sao, con cô kia giỏi giang chừng nào, hay sau khi có điểm kiểm tra mẹ hỏi điểm mình bao nhiêu và không quên hỏi ai điểm cao nhất, bạn A bao nhiêu, bạn B bao nhiêu…

Là một đứa trẻ kì lạ, mình trả lời vô cùng thành thật, dù hiểu ý đồ của mẹ nhưng mình chỉ nghe vậy thôi. Bởi vì mình không thích ganh đua cao thấp, chẳng ganh tỵ với bạn điểm cao hơn. Mình chỉ học bài và làm bài thôi còn lại mình không quan tâm lắm.

Nhưng nếu mình là một đứa trẻ bình thường, khi nghe những điều này trong đầu sẽ dần dần có suy nghĩ so sánh mình với các bạn cùng lớp, cố gắng hết sức học để có thành tích cao hơn bạn C bạn D. Khi đã vượt qua ‘đối thủ’ đứa trẻ đó sẽ được gửi đến cho một đối thủ khác để phán đấu bằng hoặc trội hơn đối thủ (ở phương diện nào đó). Cuộc sống đầy cạnh tranh – đúng nghĩa đen cứ tiếp diễn, như vậy đã ổn chưa?

Câu trả lời là không ổn, theo mình nghĩ. Thật vậy, mọi so sánh giữa người và người đều là khập khiễng. Hệ quy chiếu tốt nhất chính là bản thân bạn, bạn hôm nay so với bạn hôm qua có gì khác, có tiến bộ hơn không? Có nhận ra cuộc sống này có gì thú vị hơn không? Bạn có suy nghĩ gì mới lạ hơn không? Đó mới chính là động lực của sự phát triển con người, động lực xuất phát từ chính chủ thể mới là động lựa bền vững nhất.

Bạn sẽ không hình dung được sức mạnh của động lực này thay đổi chủ thể đến như thế nào đâu. Ở những mô hình giáo dục tiên tiến, các chuyên gia tập trung vào tạo động lực bên trong cho người học hơn là động lực từ bên ngoài. Nói nôm na, mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau, bạn không thể biết được đứa trẻ đó có thể phát triển năng lực đến trình độ nào. Bạn đưa ra mục tiêu và bắt đứa trẻ đó phải giống như vậy, trong khi có thể đứa trẻ có thể vượt xa mục tiêu kia nhưng vì định hướng của bạn khiến đứa trẻ đó bị kiềm hãm lại…

Môi trường trường học phổ thông nhìn chung là một cái giếng đơn giản, bạn có thể so sánh hơn thua với bạn học cùng lớp, cùng trường. Khi đổi sang cái giếng khác, một ngôi trường lớn hơn hay là ngôi trường tập hợp học sinh từ nhiều vùng thì đã rất khác rồi, chưa kể đổi sang môi trường làm việc và nhiều mối quan hệ xã hội khác.

Thỏa mãn khi làm ‘bá chủ” một cái giếng nào đó thực sự sẽ làm giới hạn bạn rất nhiều. Bởi ngoài cái giếng đó còn biết bao cái ao, hồ sông, biển bao la khác, mà bạn vô tình khước từ cơ hội vẫy vùng của chính mình.

Người lớn ở mãi trong 1 cá giếng liệu có an toàn?

Những đứa trẻ mang tư tưởng ‘cái giếng trường học’ khi lao vào thế giới việc làm, lao động tìm kiếm chỗ đứng trong xã hội, trong thời gian đầu không tránh khỏi bỡ ngỡ, lo sợ. Đa số họ muốn nhanh chóng tìm một cái giếng cố định, tranh đua để tìm kiếm cảm giác an toàn ở đấy. Cảm giác đó là gì?

Là công việc đã làm quen tay, lặp đi lặp lại theo ngày tháng, năm, là vị trí trong tập thể chưa bị đe dọa, là mối quan hệ trong công việc không quá phức tạp, là mức thu nhập – lương thưởng khiến bạn hài lòng.

Mình đã từng làm việc với một anh, anh làm vị trí kỹ thuật của công ty. Anh đã làm ở đấy 7 năm rồi, từ lúc mới ra trường đến giờ. Mình nghe chị cùng team và cả sếp kể về anh ấy. Lúc mới vào công ty anh không tạo ấn tượng với tập thể cho lắm, nhưng rất chăm chỉ cầu tiến. Được một thời gian, leader của anh nghỉ việc, anh được cân nhắc và đảm nhận nhiều việc hơn cũng được sếp để ý hơn.

Cho đến năm thứ 7, cũng là lúc mình và vài bạn mới vào làm. Mình nhận thấy những điều bất cập cần được sửa chữa về kĩ thuật – Nhiệm vụ của anh. Anh lại tỏ ra không hợp tác, khiến mọi công việc bị đình trệ rất nhiều. Vì anh độc quyền công việc nên sếp cũng không cho anh ra đi ngay được. Anh đâu biết rằng sếp đang tìm cơ hội để tìm người thay thế anh. Tất cả mọi người đều nhận thấy điều đó, ngoài trừ anh. Nếu anh nhận ra, anh sẽ chẳng có thái độ như vậy.

Trong trường hợp của anh đồng nghiệp này, nếu anh nghỉ việc ở đây, đến công ty khác, anh sẽ không nhận được mức thu nhập như cũ. Còn ở lại (nếu có thể) anh sẽ chẳng nhận ra mình cần trau dồi điều gì, vị trí, trình độ mình đến đâu và sẽ bị sa thải vào một thời điểm nào đó. Nếu mình là anh ấy, mình sẽ lựa chọn thay đổi cái giếng, dù lúc đầu sẽ khó khăn để thích nghi, nhưng đổi lại bản thân sẽ được rèn luyện và được nâng cấp lên một phiên bản mới tốt hơn.

Cuộc sống không nói trước được điều gì. Khái niệm công việc ổn định an toàn, công ty lớn, gia đình giàu có… chỉ mang tính chất tương đối mà thôi. Với mình, mình không theo đuổi những điều đó, mình tin vào năng lực ổn định của bản thân là thứ bạn nên dựa dẫm vào mà thôi.

*Năng lực ổn định: bao gồm năng lực nghề nghiệp, giao tiếp và đối nhân xử thế.

Mình nghĩ biểu hiện để bạn có thể suy nghĩ đến việc đổi nơi làm việc gồm: Làm 1 thời gian đủ lâu mà cảm thấy công việc không có gì mới, đều đều, thu nhập cũng không tăng nhiều so với lúc mới vào, bạn không thấy một khả năng nào về sự thăng tiến của bản thân.

Có thể bạn quan tâm: Kinh nghiệm tìm việc hiệu quả

Cuối cùng, điều mà luôn tự nhắn nhủ với chính mình: Hãy mở rộng cái giếng của mình, hít 1 hơi thật sâu và mạnh dạn rời khỏi cái giếng, rời khỏi vùng an toàn, chấp nhận thử thách, lao động học tập hết mình. Mình tin rằng ngọc được rèn dũa nhiều sẽ sáng, năng lực được trau dồi liên tục sẽ tiến bộ hơn, sẽ không dễ dàng gục ngã trước những cơn bão cuộc đời.

(Sài Gòn, 22/11/2018)