“Em nói em chưa đi chùa Thiên Ấn lần nào, nghe mà rớt nước mắt” – Mẹ mình bảo. Thế là đợi nghỉ về quê vừa rồi, bố mẹ cho mình đi vãng cảnh chùa Thiên Ấn – Danh thắng nổi tiếng của đất Quảng Ngãi này.

Mục lục

  1. Một vài thông tin về Chùa Thiên Ấn
  2. Chùa Thiên Ấn xuân 2021, sau một năm bão lũ dịch bệnh hoành hành
  3. Thiên Ấn trong tim người Quảng Ngãi

Một vài thông tin về Chùa Thiên Ấn

Cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi khoảng 3 km về phía Đông Bắc, Chùa Thiên Ấn hay còn được gọi là Sắc Tứ Thiên Ấn nằm trên đỉnh núi cùng tên cao khoảng 106m. Dáng núi hình thang cân, nằm bên dòng sông Trà, cái tên Thiên Ấn gắn với hình ảnh được người xưa gọi “Thiên Ấn Niêm Hà” - Ấn trời đóng trên dòng sông.

Núi Ấn Sông Trà Núi Thiên Ấn bên dòng Sông Trà Khúc mùa nước cạn. Ảnh: Vnexpress

Năm Tự Đức thứ 3, Núi Thiên Ấn được ghi vào điển tịch, hàng danh sơn. Thiên Ấn – Trà Giang được xem là biểu tượng của Quảng Ngãi, thắng cảnh thiêng liêng trong suốt chiều dài lịch sử.

Chùa Thiên Ấn được xây dựng vào năm 1694 và hoàn thành một năm sau đó, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu Đàng Trong. Đến năm 1717, chúa Nguyễn Phúc Chu là người sùng đạo Phật, đã ban cho chùa biển “Sắc Tứ Thiên Ấn Tự”.

Sau 320 năm, Chùa Thiên Ấn đã trải qua 5 lần tu sửa, 16 đời trụ trì trong đó có 6 vị được tôn là sư tổ. Ngoài nhà phương trượng được xây dựng theo kiến trúc nhà rường, chùa Thiên Ấn nhìn chung không có kiến trúc đặc sắc, nhưng bù lại được tọa lạc trên ngọn núi thiêng liêng in sâu trong tâm tưởng người Quảng Ngãi.

Chùa Thiên Ấn xuân 2021, sau một năm bão lũ dịch bệnh hoành hành

Từ cầu Trà Khúc đi vào QL24B theo hướng chợ Tịnh Châu, Thành Cổ Châu Sa và Khu Chứng Tích Sơn Mỹ, Chùa Thiên Ấn thuộc xã Tịnh Ấn, huyện Sơn Tịnh. Con đường lên chùa quanh co nay đã được trải nhựa đẹp, bạn có thể đi ô tô lên đến đỉnh. Ngoài ra, chùa Thiên Ấn còn một lối đi bộ lên chùa, cũng được làm bậc cấp dễ đi.

Đường lên chùa Thiên Ấn Đường lên chùa có thể đi ô tô

Lối đi bộ lên chùa Hoặc có thể đi bộ theo lối này

Tết 2021, nhà mình ghé qua chùa, nhìn chung chùa đang được sửa sang cảnh quan, cây bị chặt đi nhiều, chắc cũng vì dư âm của trận bão hồi tháng 10/2020. Ngày xuân nên bà con đi chùa đông như trẩy hội, mình bất ngờ lắm, vì tưởng chùa sẽ yên tĩnh, âm u.

Cổng chùa thiên ấn cũ Cổng chùa Thiên Ấn ngày xưa. Nguồn ảnh: Vnexpress

Cổng chùa thiên ấn xây mới Và cổng chùa bây giờ

Chùa Thiên Ấn có ba nơi để bạn tham quan, đó là chính điện chùa, khu bảo tháp ở hướng Đông và Mộ Cụ Huỳnh ở hướng Tây Nam.

Nhộn nhịp người vào thắp hướng khấn vái cầu năm mới an lành là khu Chính điện của Chùa Thiên Ấn. Đến nổi mình chẳng chụp được tấm nào ra hồn, chùa cũng hạn chế cho khách vào bên trong dịp này. Ở đây, có vài cô bác bán hương, 1 thẻ 10K thì phải.

Chính điện Chùa Thiên Ấn Lối vào khu trung tâm của Chùa, nơi thờ Chánh điện

Vòng ra sau khu trung tâm, mình ấn tượng với tượng phật dưới gốc cây đa cổ thụ, tán lá vươn dài cân đối. Những cây xung quanh bị ngã đổ vì bão mà cây đa vẫn nguyên xi, thật kỳ diệu. Cạnh bên là khu bảo tháp 9 tầng. Nơi đây là khu an táng của các vị sư tổ, thiền sư trụ trì của chùa Thiên Ấn.

cây đa và khu bảo tháp Thiên Ấn Lối đi đến khu bảo tháp, bên phải chính điện

Cây đa chùa Thiên Ấn Cây đa cổ thụ, bên dưới có tượng Phật

Khu phía đông có vẻ mới trùng tu lại, được xây thêm tháp mới và cũng khác lạ so với cảnh trước đây.

Bảo tháp Thiên Ấn cũ Bảo tháp phủ rêu phong trước đây. Nguồn ảnh: Vnexpress

Khu Tháp mới của Thiên Ấn T Và khu tháp được xây mới bây giờ

Ở hướng này, đi thêm một đoạn, bạn sẽ tìm thấy view ngắm thành phố Quảng Ngãi, cánh đồng lúa và con sông Trà Khúc. Lúc này sương sớm còn chưa tan, bạn phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy cảnh vật phủ một màu mờ ảo thêm tĩnh lặng, thêm thơ mộng.

Mộ phần trên núi Thiên Ấn Núi Thiên Ân còn là nơi yên nghỉ của nhiều mộ phần

View toàn cảnh tp Quảng Ngãi Từ núi Thiên Ấn phóng tầm mắt ngắm nhìn đồng lúa

Sông Trà nhìn từ núi Thiên Ấn Dòng sông Trà mùa nước cạn

Cảnh mờ sương từ núi Thiên Ấn Khung cảnh mờ sương, dù lúc này đã hơn 10h sáng

Ba mẹ con mình cứ ngỡ Mộ của Cụ Huỳnh ở hướng Đông, nhưng không phải. Mình đi ngược lại hướng Tây Nam chùa, mộ Cụ Huỳnh Thúc Kháng nằm một khu riêng biệt ở đấy.

Mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng Mộ của Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, quyền chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa

Mộ cụ Huỳnh Thúc kháng 2 Mộ phần của cụ Huỳnh sau khi được xây mới

Mình đi đúng thời điểm khu mộ của cụ đã được bê tông hóa. Người ta cải tạo cả cảnh quan khu đó luôn, chẳng còn cây cối, nên mộ cụ nắng kinh khủng. Mình thấy tiếc ghê. Hy vọng lần sau trở lại, người ta nhận thấy khu mộ cụ nắng quá sẽ trồng thêm cây.

Khu Mộ cụ Huỳnh đang được xây mới Nguyên khu này bị chặt hết cây nên rất nắng

Cây ước nguyện Cây ước nguyện treo nhiều dây đỏ cầu bình an

Tre trên núi Thiên Ân Khóm tre xanh mát ở bãi đỗ xe trên núi

Xem thêm: Khu Chứng tích Sơn Mỹ Quảng Ngãi

Thiên Ấn trong tim người Quảng Ngãi

Chùa Thiên Ấn không những được các tăng ni phật tử tôn xưng ngôi vị tổ đình mà đối với người dân Quảng Ngãi còn có sự gắn bó tình cảm bền chặt thể hiện qua các giai thoại và ca dao sâu đậm nghĩa tình được truyền miệng từ đời này đến đời khác.

Đầu tiên là tích Giếng Phật. Giếng trong chùa Chùa Thiên Ấn ngày nay vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ kính.

Giếng cổ trên núi thiên ấn Giếng cổ ở chùa Thiên Ấn vẫn còn đến hôm nay. Nguồn ảnh: Vnexpress

“Tương truyền, do phật tử lên núi ngày càng đông, vị sư trụ trì đã nghĩ cách đào giếng. Nhà sư được báo mộng khi đào ở phía đông chùa sẽ gặp tảng đá bàn, dưới tảng đá này sẽ có nước. Nhưng việc cạy tảng đá rất khó khăn, lúc đó có một vị sự trẻ đến chùa nói sẽ giúp việc đào giếng. Khi mạch nước ngầm phun lên, vị sư già vục mặt, uống thỏa thích, bình tâm lại thì không thấy vì sư trẻ đâu cả. Về sau dân gian lưu truyền hai câu thơ:

“Ông thầy đào giếng trên non

Đến khi có nước không còn tăm hơi”

Cổ tranh không còn trên núi Thiên Ấn Núi Thiên Ấn giờ đây không còn cỏ tranh nữa

Đến câu ca dao về cỏ tranh núi Ấn…

“Ngó lên Thiên Ấn nhiều tranh

Liều mình lén mẹ theo anh phen này.”

Hay

“Bao giờ núi Ấn hết tranh

Sông Trà hết nước anh đành xa em.”

Cỏ tranh trên núi Thiên Ấn giờ chỉ còn là dĩ vãng. “Ngày xưa, Thiên Ấn bốn bề là cỏ tranh bao phủ. Đứng dưới chân núi nhìn lên, sẽ được thấy những đám tranh xanh mướt gặp gió nhấp nhô, gợn sóng. Rồi mỗi độ tháng Giêng về, khi cỏ tranh nở hoa; cả ngọn núi được nhuộm sắc trắng hoa tranh. Khung cảnh ngày ấy thanh bình, u tịch lắm”. Lời kể của Đại Đức Thích Đồng Hoàng – chùa Thiên Ấn.

Quanh cảnh xuống núi Thiên Ấn Hoa xuyến chi hai bên đường xuống núi

Thật tiếc thay cho cỏ tranh núi Ấn! Lần đầu ghé thăm chùa Thiên Ấn, lần sau mình sẽ dành nhiều thời gian hơn để vãng chùa. Để sau này, có những điều về quê hương mà mình chỉ tìm được qua sách báo thì buồn lắm.

(Bài viết có trích và tham khảo thông tin từ Vnexpress.vn, baoquangngai.vn, baotangquangngai.com)