Tâm sự chuyện đi du lịch - Làm sao để “sang” hơn khi đi du lịch
Như mình thấy, 10 năm về trước đi du lịch với nhiều người nói chung còn rất xa lạ. Nhu cầu đi đó đây khám phá, nghỉ dưỡng dường như “dân Tây” có vẻ ưa chuộng hơn. Nhưng khi mạng xã hội bùng nổ với Facebook, Instagram, xu hướng “selfie” thể hiện hình ảnh cá nhân ngày càng phổ biến đã vô hình trung thúc đẩy du lịch phát triển hơn bao giờ hết.
Trong khi người người nhà nhà đi du lịch, trong nước có, ngoài nước cũng không hiếm, thì không phải ai cũng chuẩn bị cho mình tinh thần đi du lịch đúng nghĩa. Mình xin được chia sẻ kinh nghiệm một cách khái quát để chuyến đi sắp tới của bạn trọn vẹn và ý nghĩa hơn nhé!
Từ mục đích đi du lịch
Không giống với những thú vui khác, du lịch khá kén “người chơi”, vừa phải có thời gian (dành toàn bộ thời gian từ một ngày đến cả tháng) vừa có tiền và đặc biệt phải có sức khoẻ dẻo dai. Tốn công sức cho chuyến đi như vậy nhưng không phải ai cũng có mục đích đi du lịch giống nhau. Mình có vài năm làm việc trong ngành này, nên tạm phân ra 3 nhóm khách du lịch phổ biến nhất:
Nhóm 1: Ưa trải nghiệm, thích khám phá:
Khách du lịch đặt mục đích này lên hàng đầu thường là khách Tây, người trẻ ham học hỏi, với đặc điểm tiêu biểu như:
-
Tiêu chí lựa chọn điểm đến: văn hoá địa phương độc đáo hoặc phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp.
-
Thích trải nghiệm cuộc sống của người bản địa.
-
Trò chuyện nhiều với người am hiểu điểm đến đó.
Nhóm khách này mong muốn được hiểu biết và khám phá nhiều điều thú vị của những nền văn hoá khác nhau hay tận hưởng phong cảnh thiên nhiên hung vĩ. Mục đích này của du lịch giúp du khách tăng thêm vốn sống và thế giới quan đa dạng hơn.
Du khách có mục đích đi du lịch này thường có thái độ hoà nhã thân thiện. Họ có cái nhìn cuộc sống dày dạng và thường tôn trọng sự khác biệt về văn hoá. Đơn cử như vị khách trải nghiệm homestay này:
Thay vì chê căn nhà của người dân tộc đơn sơ, không có tiện nghi hiện đại, du khách bày tỏ sự thích thú khi được sống như người địa phương. Nguồn ảnh*
Nhóm 2: Nghỉ ngơi thư giãn
Tìm một địa điểm có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp cùng resort chất lượng là đủ cho một chuyến đi nghỉ dưỡng. Chuyến đi du lịch theo hình thức này có đặc điểm:
-
Thường ngắn ngày, khoảng 2 – 3 ngày
-
Lịch trình ít điểm đến, không nhiều thời gian di chuyển từ địa điểm này đến nơi khác
-
Chú trọng vào chất lượng nơi lưu trú, bữa ăn
Du khách đi nghỉ dưỡng thường có mức thu nhập cao, họ mong muốn một chuyến đi nghỉ riêng tư và dành không ít ngân sách của chuyến đi cho resort khách sạn hạng sang. Do đó, họ thường đánh giá khắc khe về dịch vụ ăn uống, đi lại, ngủ nghỉ hơn.
Nghỉ dưỡng cùng người thân tại nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt. Ảnh: Upgraded Points
Nhóm 3: Chụp hình, quay video và livestream
Đây là nhóm “sinh sau đẻ muộn” so với 2 nhóm trên, nhưng lại chiếm số lượng đông đảo nhất. Người đi du lịch với mục đích chính là chụp ảnh thật đẹp sau đó chia sẻ lên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, thường cũng chọn lịch trình như 2 nhóm trên, nhưng thứ cốt lõi sau chuyến đi lại khác.
Việc lưu lại hình ảnh của chuyến đi làm kỉ niệm là điều nên làm, tùy vậy đừng lạm dụng. Thật buồn khi đến đảo Cù Lao Chàm, Quảng Nam mà không biết vì sao đảo có tên như vậy, hay đảo có những loài động vật nào thuộc hang quý hiếm,…Nếu được hãy dành toàn bộ thời gian để thực sự tận hưởng chuyến đi, bạn nhé!
Ngộ nhận thường thấy của khách du lịch
Đây là phần quan trọng nhất mình muốn chia sẻ đến mọi người. Từ thực tế nghề nghiệp cũng như trải nghiệm cá nhân, mình nhận thấy những ngộ nhận cơ bản sau của người mới làm quen với thú vui này.
“Phải được ăn ngon, ngủ nghỉ đàng hoàng”
Khái niệm ngon – tốt, nhìn chung khá trừu tượng. Nếu bạn nghĩ đi du lịch (đi chơi) sẽ được vui vẻ thoải mái (như ở nhà) thì bạn đã nhầm to rồi. Đến một vùng đất mới đồng nghĩa với việc bạn sẽ tiếp xúc với nền văn hóa mới, cơ sở vật chất cũng không giống như nơi bạn sinh sống, do đó 90 % bạn sẽ cảm thấy không thể như ý được.
Cụ thể, về ẩm thực:
Đi du lịch Nhật Bản du khách thường kì vọng được ăn món ngon, đầy màu sắc như trên phim ảnh. Nhưng nếu bạn không quen ăn đồ sống, ăn nhạt, ít tẩm ướp thì bạn sẽ thất vọng đó. Gần với Nhật Bản, Hàn Quốc là điểm đến được nhiều du khách Việt yêu thích lựa chọn, nếu chưa tiếp xúc nhiều với văn hóa ẩm thực xứ kim chi, bạn cũng sẽ cảm thấy đa số đồ ăn Hàn khá nhạt, cay không tẩm ướt “đậm đà” như đồ ăn Việt bạn thường ăn.
Hay như Trung Quốc, nơi có nền ẩm thực hàng đầu thế giới cũng có nét đặc trưng theo vùng miền nhưng đa số đều rất nhạt và cực nhiều dầu mỡ, ở vùng Vân Nam, Tứ Xuyên các món ăn còn cực cay nữa.
Món cua ngâm tương đặc trưng ở Hàn Quốc. Ảnh: Note Thanun
Vùng Đông Nam Á, điển hình như Thái Lan - Ẩm thực giao thoa giữa Khmer, Hoa, Ấn, bạn sẽ thấy có nhiều món cực mặn, cay, chua và có khi rất ngọt. Nó rất khác với khẩu vị hàng ngày của người Việt.
Do vậy, đòi hỏi được ăn ngon khá là mơ hồ. Theo mình, Khi đã đi du lịch hãy thử món ăn đặc trưng của vùng đất đó để hiểu hơn về nơi đó. Nếu không hợp khẩu vị bạn có thể ăn ít, đừng vì khác món ăn thường ngày của bạn, mà nhanh chóng nhận xét “đồ ăn ở đó dở lắm”.
Với việc lưu trú ngủ nghỉ:
Nếu bạn chọn ở khách sạn 5 sao dù trong nước hay nước ngoài thì chẳng cần băn khoăn chất lượng. Nhưng ở mức từ 3 – 4 sao thì có sự khác biệt nho nhỏ đấy. Khách sạn tầm này ở Việt Nam bạn sẽ nhận được nhiều tiện ích hơn, còn ở nước ngoài sẽ khác.
Đơn cử, ai đó lần đầu đi du lịch Singapore hay Hong Kong, bỏ số tiền không nhỏ để thuê khách sạn sẽ rất sốc khi đến nhận phòng. Bởi những thành phố có mức sinh hoạt phí đắt đỏ cộng với diện tích nhỏ sẽ dẫn đến các khách sạn tầm trung thường có diện tích rất nhỏ, tận dụng mọi không gian.
Hay như đến vùng núi phía bắc du lịch, khi được hỏi muốn trải nghiệm ngủ nhà sàn với người địa phương hay không, nếu đồng ý, bạn hãy chuẩn bị tinh thần ngủ ở nơi không có nệm dày êm ái điều hòa đâu nhé!
Khi đã chuẩn bị khá khá kiến thức và tìm hiểu kĩ điểm đến, được trải nghiệm và biết nhiều điều khác với cuộc sống thường ngày ở thành thị, với mình là niềm vui nho nhỏ. Mình cảm thấy thú vị hơn là khó chịu, la ó.
“Cảnh đẹp lên hình lung linh”
Nếu xem hình ảnh về phong cảnh đó và mường tượng cảnh ấy sẽ đẹp y như vậy thì bạn dễ thất vọng lắm đó. Có những mô hình, tiểu cảnh rất đẹp khi lên hình nhưng bên ngoài trông rất bình thường. Do đó, hình lung linh chỉ mang tính chất tham khảo thôi bạn nhé ! Hãy tự mình đến khám phá vùng đất đó, biết đâu bạn sẽ phát hiện ra những khung hình xuất sắc hơn thì sao !
“Sao lại đi bộ nhiều như vậy”
Một điểm nữa khi đi du lịch, nhất là du lịch nước ngoài mà khách Việt ngạc nhiên, đó chính là đi bộ. Nếu đi du lịch tự túc, bạn sẽ không có xe đưa đón, các lựa chọn phương tiện lúc này là : xe buýt, tàu điện ngầm, taxi và cả thuê xe tự lái.
Ở những thành phố phát triển, việc thuê xe tự lái phức tạp hơn dùng phương tiện công cộng và đi bộ. Dân bản địa mỗi ngày đi bộ từ 5 – 7 km là bình thường, nhưng người Việt quen đi xe máy sẽ không quen. Do đó, trước ngày khởi hành bạn hãy chuẩn bị thể lực và một đôi giày thật tốt nhé!
Đi du lịch theo tour: Đôi lời chia sẻ
Có nhiều loại sản phẩm dịch vụ như: vé tham quan, combo vé tàu/ vé máy bay + khách sạn, làm visa hay tour du lịch trọn gói ra đời phục vụ nhu cầu thị trường. Mình sẽ giải đáp một số câu hỏi nhiều du khách tò mò về ngành dịch vụ này nhé!
Tại sao giá dịch vụ du lịch mua qua công ty lại rẻ hơn bạn tự liên hệ?
Hãy thử cộng tất cả chi phí của 1 chuyến đi du lịch Thái Lan 5 ngày từ vé máy bay khứ hồi, ăn uống 3 bữa/ ngày, khách sạn, phương tiện di chuyển, hướng dẫn viên và so với giá tour trọn gói, bạn sẽ phải thốt lên sao tour rẻ vậy?
Điểm mấu chốt nằm ở việc bạn đang mua lẻ, còn cty du lịch người ta mua sỉ nên giá sẽ chênh nhau nhiều. Vì đứng ra mua sỉ dịch vụ giá tốt từ các nhà cung cấp nên cty du lịch có rất nhiều ràng buộc về ngày khởi hành, số khách / đoàn,…Do đó, trước khi đặt tiền cọc hay thanh toán, bạn cần đọc và nghiên cứu hết nội dung dịch vụ, kẻo mơ hồ và mất tiền mà không làm gì được vì bên tour họ không làm sai.
Sao chương trình tham quan của tour trọn gói có nhiều điểm mua sắm vậy?
Lợi nhuận của dịch vụ du lịch thuần không nhiều vì cạnh tranh giá. Do đó, các công ty du lịch liên kết với địa phương và các trung tâm thương mại mua sắm để đưa du khách tới tham quan mua sắm và nhận thêm chiết khấu. Khách đến không bắt buộc phải mua, nhưng khách từ chốt đi đến điểm mua sắm phải bù thêm tiền cho nhà tour, đó là cam kết giữa các bên.
Bạn có thể chọn chương trình tour No Shopping, nhưng hãy chấp nhận mức giá cao hơn nhé!
_Nguồn ảnh: Jeremy Stenuit
Nên chọn đi du lịch tự túc hay mua tour
Câu hỏi này cũng tương tự như câu: Nên ở nhà nấu ăn hay đi ăn quán vậy. Chủ yếu là theo nhu cầu của mình, nếu xác định không đúng nhu cầu bạn sẽ không chọn được dịch vụ phù hợp. Mình chia sẻ một vài gợi ý phồ biến để lần đầu lên kế hoạch du lịch của bạn không quá tệ.
-
Đi cùng gia đình đông người có cả người lớn tuổi và em bé: Nên mua tour trọn gói. Trên hành trình bạn chỉ cần chăm lo cho các thành viên mà không phải loay hoay về điểm đến dịch vụ. Hơn nữa, mua tour có xe đưa đón, các thành viên không phải đi phương tiện công cộng nhiều, tránh đi lạc ở thành phố xa lạ. Ngoài ra, bảo hiểm du lịch và người hướng dẫn cũng giúp cho chuyến đi của bạn cùng người thân an toàn hơn.
-
Thể lực tốt, thích khám phá, đã đi du lịch nhiều: Nên tự đi. Kèm theo đó là thời gian dư dả để thong dong trên hành trình nữa thì càng tốt.
Riêng bản thân mình, ngoài lựa chọn đi tour và tự túc, mình còn có phương thức khác – kết hợp vừa mùa tour vừa tự túc. Cụ thể:
-
Tự mua vé máy bay / vé tàu xe và chọn nơi lưu trú: Mình muốn thoải mái về thời gian đi và chọn theo sở thích nơi ở.
-
Mua land tour: Khi đến nơi, thay vì các bạn đi tự túc sẽ thuê xe máy tự đi tham quan, mình sẽ chọn đặt tour land 1 ngày. Gói tour này sẽ đón bạn ở khách sạn, đưa bạn đi khám phá các điểm đến trong ngày. Nếu không thạo địa phương và lười lái xe thì đây là lựa chọn phù hợp. Bạn có thể tìm các gói city tour hay tour biển đảo, núi rừng, khu du lịch … dễ dàng với giá hợp lý.
Ngoài những ngày đi tour (ăn trưa theo đoàn), bữa sáng và tối mình có thể ăn tùy thích, đi cà phê rong chơi tự do.
_Nguồn ảnh: Elizeu Dias
Có phải đi tour sẽ được phục vụ tận răng từ A-Z?
Mua tour trọn gói đoàn của bạn sẽ có hướng dẫn viên (HDV) đi kèm. Phục vụ tận rang ư? Không đâu, họ chỉ làm theo đúng nội dung dịch vụ bạn đã mua thôi.
Do đó, nếu bạn nghĩ khách hàng là thượng đế, bạn HDV đó phải đi theo, cung phụng và bạn có quyền thể hiện thái độ trịch thượng thì không nên chút nào. Mình đã nghe được nhiều câu chuyện trên tour rằng nhiều du khách đưa yêu cầu hết sức “cạn lời’ cho HDV như muốn ăn nước mắm giữa nước Nhật hay muốn đi đến điểm A, B, C không có trong lịch trình, v.v.
Thực tế, một đoàn khách đi tour thường từ 10 – 40 người, nếu bạn có nhiều “yêu sách” sẽ ảnh hưởng đến hành trình chung, lúc đó quyền lợi của bạn sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Với mình, ở những nơi xa lạ lần đầu đến và gặp trở ngại về ngoại ngữ mình sẽ chọn đi tour. Tỏ ra thân thiện với người công ty tour và cả bạn đồng hành trên chuyến đi, điều này rất có lợi đấy.
Bạn sẽ có thêm nhiều thông tin hơn, đặc biệt khi hỏi người cùng đi đã đến điểm này rồi, để so sánh chương trình tour. Ngoài ra, HDV khi đưa đoàn về khách sạn sau bữa tối. Nếu bạn thân thiện, hãy hỏi thêm bạn ấy những điểm đi chơi đêm, hoặc “nhập hội” để khám phá thành phố về đêm.
Mình đi chơi theo tour về thấy vui, có thêm bạn mới, add Facebook, khiến chuyến đi sinh động hơn nhiều lắm đó.
Lời kết
Sơ sơ đại cương về chuyện đi du lịch mình nghĩ cũng tạm đủ. Qua chia sẻ này, hy vọng bạn sẽ có thông tin cũng như định hướng mục đích chuyến đi tốt nhất cũng như ứng xử phù hơp. Ngoài ra, bạn có thể tự lên kế hoạch đi chơi hay lựa chọn sản phẩm dịch vụ tương ứng. Cụ thể chuyện đi chơi mình sẽ tiếp tục viết thêm ở những bài sau nhé!
*Photo/Ảnh: Hình ảnh này không thuộc bản quyền của mình và mình cũng không biết chính xác chủ sở hữu. Nếu đơn vị sở hữu không muốn mình sử dụng, vui lòng liên hệ với mình qua email: tranhuongvegiang@gmail.com, mình sẽ xóa hình ngay lập tức. Xin chân thành cảm ơn. (If any owner has an issue with any of this photo please get in contact (mail: tranhuongvegiang@gmail.com) and it will be deleted immediately.)