Chưa có tòa tư dinh nào ở Sài Gòn sở hữu vị trí và kiến trúc xuất sắc như Nhà Bảo Tàng Mỹ Thuật. Tham quan Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố hôm nay, bạn sẽ cảm nhận được lý do nơi đây là một trong những điểm đến nổi bật nhất ở Sài Gòn.

Mục lục

  1. Tòa nhà Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh - Dinh Thự Nhà Họ Hứa nổi tiếng một thời
    1. Lịch sử Nhà Bảo Tàng Mỹ Thuật
    2. Kiến trúc đặc sắc của Tòa nhà Bảo Tàng Mỹ Thuật thành Phố
  2. Bảo Tàng Mỹ Thuật – Lát cắt của nghệ thuật đương đại Việt Nam
  3. Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố, kinh nghiệm lần đầu tham quan
    1. Địa chỉ và chỗ gửi xe tại Bảo Tàng Mỹ Thuật
    2. Giờ mở cửa tham quan Bảo Tàng
    3. Giá vé vào Bảo tàng Mỹ thuật
    4. Chuyện chụp hình ở Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố
    5. Sơ đồ tham quan Bảo tàng
  4. Vài dòng suy nghĩ,

Tòa nhà Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh - Dinh Thự Nhà Họ Hứa nổi tiếng một thời

Ngoài câu chuyện “Con ma nhà họ Hứa” được lưu truyền, điều làm nên danh tiếng của Nhà Chú Hỏa nay là Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố Hồ Chí minh, phải kể đến hai nét chính sau:

Lịch sử Nhà Bảo Tàng Mỹ Thuật

Dinh thự nổi tiếng này gắn liền với các huyền thoại và tên tuổi một doanh nhân người Hoa tên là Hứa Bổn Hòa, mà người dân nơi đây vẫn quen gọi là Chú Hỏa – Người giàu nhất Sài Gòn vào những năm đầu thế kỉ 20.

Nhắc đến Chú Hỏa, người Sài Gòn vẫn truyền nhau câu chuyện của ông từ nghèo khó xây dựng nên cơ ngơi đồ sộ. Cụ Vương Hồng Sển có nhắc đến chú Hỏa trong cuốn Sài Gòn Năm Xưa rằng: “Tuy làm giàu cho mình đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thịnh vượng kinh tế miền Nam”.

Bảng tên của Tư Dinh Chú Hỏa Cửa sau của dinh thự còn bảng tên dinh Chú Hỏa bằng Tiếng Pháp.

Ngoài tư dinh của mình – cũng là Bảo tàng Mỹ Thuật ngày nay, các công trình dân dụng khác mà Chú Hỏa xây dựng như khách sạn Majestic, Bệnh Viện Từ Dũ, Nhà Khách Chính Phủ (đường Lý Thái Tổ), Trung Tâm Cấp Cứu Sài Gòn và Chùa Kỳ Viên đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của thành phố.

Riêng với tư dinh Chú Hỏa hoàn thành xây dựng vào năm 1925, được thiết kế bởi các kiến trúc sư người Pháp, công trình này được xây dựng trên khuôn viên rộng lớn, mặt bằng hình chữ U. Tuy là tư dinh, nhưng tòa nhà có quy mô lớn như một lâu đài ở Châu Âu thời Phục Hưng.

Bảo tàng Mỹ thuật thành phố được thành lập vào năm 1987, nhưng chính thức mở cửa đón khách tham quan vào năm 1989. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, Nhà Chú Hỏa ngày nay trở thành Bảo Tàng Mỹ Thuật là một trong những công trình văn hóa tiêu biểu của thành phố.

Kiến trúc đặc sắc của Tòa nhà Bảo Tàng Mỹ Thuật thành Phố

Công trình có kết cấu bê tông cốt thép cao 4 tầng, với bố cục đăng đối khép kín tạo một sân trong. Tường của dinh thự được đúc kiên cố dày từ 40 – 60 cm, với 99 cửa lớn, nhỏ và cửa sổ.

Hình thức kiến trúc của tòa nhà khá uy nghi, nhưng cũng dễ gây thiện cảm bởi những chi tiết trang trí duyên dáng màu sắc rực rỡ, bắt mắt, kết hợp hài hòa phong cách Đông – Tây.

Tòa nhà 1 của Bảo tàng Mỹ Thuật TPHCM Chính diện Tòa nhà 1 của bảo tàng, nơi thể hiện sự tinh tế trong từng chi tiết trang trí.

Trong đó, những chi tiết mang đậm phong cách phương Tây phải kể đến như ban công, mái bê tông đưa ra, các trụ sảnh và hệ thống cấu kiện sắt uốn ở cầu thang, lan can. Các ô cửa phía ngoài và cửa sổ ở cầu thang được trang trí ô kính màu cũng có hoa văn đậm chất Châu Âu.

Cửa Kính Nhà chú Hỏa Những ô cửa kính nhiều màu sắc đã có niên đại trăm năm

Tòa bộ sàn nhà được lát gạch hoa với hoa văn đa dạng tinh tế. Mỗi khu vực, phòng được lát một kiểu gạch khác nhau, riêng cầu thang lát đá cẩm thạch.

Gạch lát sàn của Bảo Tàng Toàn bộ hai tòa nhà của Bảo Tàng Mỹ Thuật phải có hàng chục loại gạch lát tưng ứng từng gian phòng

Bên cạnh đó, phong cách Á Đông thể hiện rõ ở phần mái của dinh thự, được lợp ngói âm dương màu đỏ, men màu lam ở trụ sảnh, họa tiết trang trí ở viền mái hay câu đối chữ Hán ở hai bên cửa chính.

Sân thượng Bảo Tàng Mỹ thuật TPHCM Trên tầng cao nhất của tòa nhà, mái ngói âm dương cùng phù điêu tinh xảo. Lối đi lên trên này vừa vắng vừa tối, mình đứng đúng 5s chụp tấm này rồi chạy nhanh xuống.

Trên ống thoát nước mái có phù điêu hình cá chép hay những ô tròn trên mái có hoa văn hình chữ vạn cũng là minh chứng cho văn hóa phương Đông của kiến trúc tòa nhà.

Họa tiết trang trí của Bảo Tàng Mỹ Thuật TPHCM Những bức phù điêu hoa văn chữ vạn

Cửa sau của tòa nhà 1 được trang trí phong cách phương Tây Cửa vòm đặc trưng của phương Tây và trụ cẩm thạch đẹp mắt

Điểm đặc biệt tiếp theo chính là thang máy bằng gỗ của Dinh thự này. Bước vào sảnh chính, bạn sẽ nhìn thấy thang máy ngay gần cầu thang. Dinh thự của Nhà Họ Hứa được xem là một trong những công trình đầu tiên ở Sài Gòn có thang máy.

Thang máy đầu tiên của Sài Gòn Thang máy đầu tiên tại Sài Gòn

Bảo Tàng Mỹ Thuật – Lát cắt của nghệ thuật đương đại Việt Nam

Bằng nổ lực sưu tầm của những con người làm công tác bảo tàng đầy tâm huyết, Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố ngày nay đã có hơn 21.000 hiện vật bao gồm tranh, tượng và các di vật liên quan đến các tên tuổi lớn của làng mỹ thuật nước nhà.

Một phòng trưng bày của Bảo Tàng Mỹ Thuật TPHCM Một gian phòng trưng bày các tác phẩm hội họa đương đại

Trên diện tích 2.900m2 trong nhà và 1.600m2 ngoài trời, các tác phẩm mang tính lịch sử được trưng bày theo các bộ sưu tập và theo từng thời kỳ.

Tầng trệt của tòa nhà vừa là nơi làm việc của ban quản lý vừa là nơi triển lãm tranh.

Lẩu 1 được dùng để tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật

Lẩu 2 là không gian trưng bày tác phẩm của các tác giả lớn trong nền mỹ thuật hiện đại. Ngoài ra, ở đây còn có bộ sưu tập ký họa chiến trường của nhiều nghệ sĩ – chiến sĩ. Đây là tư liệu quý vừa có giá trị nghệ thuật và lịch sử.

Tác phẩm điêu khắc

Lầu 3 là nơi trưng bày các tác phẩm mỹ thuật cổ đại, cận đại và mỹ thuật thủ công mỹ nghệ truyền thống. Một điều đáng quý là các tác phẩm đã được lưu giữ gần như nguyên vẹn tại bảo tàng mỹ thuật.

Ở lầu 2 của tòa nhà 1, bạn sẽ nhận ra một không gian gồm hai phòng (được lắp cửa kính, máy lạnh) dành riêng cho danh họa Nguyễn Gia Trí và các tác phẩm, kỷ vật của ông.

Hai phòng trưng bày Nguyễn Gia Trí Hai phòng trưng bày các tác phẩm và kỷ vật của Danh họa Nguyễn Gia Trí

Thứ cho sự hiểu biết hạn hẹp của mình, trước khi đến Bảo Tàng Mỹ Thuật, mình chưa biết Nguyễn Gia Trí là ai. Thậm chí khi Đường D2 ở Bình Thạnh được đổi thành tên ông mình cũng chưa tìm hiểu.

Nhắc đến hội họa nước nhà, mình chỉ biết họa sĩ Tô Ngọc Vân hay Bùi Xuân Phái mà thôi. Về nhà, đọc thêm mình mới biết, tứ trụ của mỹ thuật hội họa nước ta phải kể đến “Nhất Trí Nhì Vân Tam Lân Tứ Cẩn”. Trí ở đây chính là họa sĩ Nguyễn Gia Trí.

Khu vực đặc sắc nhất của gian phòng này chính là nơi trưng bày Bức họa sơn mài khổ lớn Vườn Xuân Trung Bắc Nam của danh họa Nguyễn Gia Trí. Vào năm 1991, bức tranh này đã gây tiếng vang lớn khi được định giá 100.000 USD. Đến nay, đây được coi là một trong những báu vật quốc gia thuộc sở hữu của Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố.

Tác Phẩm Vườn Xuân Trung Bắc Nam Tác phẩm Vườn Xuân Trung Bắc Nam của Danh họa Nguyễn Gia Trí

Không chỉ trưng bày những tác phẩm mỹ thuật, nơi đây còn diễn ra nhiều sự kiện nghệ thuật nổi tiếng trong và ngoài nước. Hôm tham quan Bảo Tàng Mỹ Thuật, mình tình cờ được tham gia triển lãm Búp Bê Truyền Thống Nhật Bản, vô cùng đa dạng và đặc sắc.

Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố, kinh nghiệm lần đầu tham quan

Dù làm việc ở Quận 1 vài năm, đi qua Tòa Dinh này không biết bao lần, nhưng đây là lần đầu mình mua vé vào tham quan. Mình chia sẻ đến bạn vài thông tin cần thiết bên dưới, hãy cập nhật nhé!

Địa chỉ và chỗ gửi xe tại Bảo Tàng Mỹ Thuật

Tòa nhà nằm ở khu tứ giác với bốn mặt đường của quận 1: Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình và Calmette.

Bảo Tàng Mỹ Thuật đường Lê Thị Hồng Gấm

Địa chỉ cửa chính là ở Số 97A Đường Phó Đức Chính, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1.

Bạn chạy xe thẳng vào cửa, rẽ trái sẽ thấy chỗ giữ xe gần quầy bán vé. Giá vé giữ xe máy là 5.000đ/ lượt.

Giờ mở cửa tham quan Bảo Tàng

Bảo tàng mở cửa từ Thứ Hai đến Chủ Nhật, bắt đầu 8h00 – 17h00.

Giá vé vào Bảo tàng Mỹ thuật

Nếu không có thẻ sinh viên, vé người lớn là 30.000đ/ lượt.

Vé tham quan Bảo Tàng Mỹ Thuật

Chuyện chụp hình ở Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố

Bất kể bạn mang máy ảnh to hay nhỏ, chụp hình một mình hay ekip đều phải đóng phí 300.000đ/ tiếng. Chụp hình bằng điện thoại thì không tốn phí. Điều này làm mình rất bức xúc, mình tham quan chụp hình cảnh quan, kiến trúc bằng cái smart camera cũng bắt tính phí. Vì dân “vô sản” mình đành dùng cái stupid phone của mình để chụp. Buồn không thể tả, bạn xem hình xấu vậy chứ bên ngoài đẹp gấp mấy lần đó.

Sơ đồ tham quan Bảo tàng

Chắc tòa nhà 1 chiếm hơi nhiều spotlight, nhưng cả khuôn viên Bảo Tàng Mỹ thuật có tận 3 tòa nhà. Bạn xem sơ đồ được đặt ngay lối vào giữ hai Tòa 1 và 2.

Sơ đồ

Đầu tiên bạn tham quan từ Tòa 1, tầng 1, 2,3 rồi vòng xuống dưới sân trong và ra ngoài để tham quan tiếp Tòa 2 và tòa 3. Hôm mình tham quan hơi vắng vẻ, nhất là tòa 3 có mỗi mình vào. Tính hơi nhát nên mình không dám lên lầu hai, chỉ đi ở lầu một vì có bác bảo vệ ngồi ở đấy.

Tòa nhà 2 Bảo Tàng Mỹ Thuật Tòa nhà 2 nơi diễn ra nhiều chương trình triển lãm nghệ thuật

Sảng Chính của tòa nhà 2 Sảnh chính của tòa nhà 2

Tòa nhà 3 Bảo Tàng Mỹ Thuật TPHCM Tòa nhà 3 của tòa nhà Mỹ Thuật, nơi trưng bày các tác phẩm điêu khắc gốm sứ là chủ yếu

Cầu thang Tòa nhà 3 Cầu thang lên tầng hai của tòa nhà 3

Tầng 3 của Bảo Tàng Mỹ Thuật TPHCM Tầng ba của tòa 1, các bạn trẻ thường chụp hình checkin ở đây

Vài dòng suy nghĩ,

Đây là bảo tàng thứ 5 mình có dịp đi tham quan ở TP.HCM. Cũng như Bảo Tàng Lịch Sử và Bảo Tàng Thành Phố, Bảo Tàng Mỹ Thuật ít được xuất hiện trong chương trình city tour. Mình cảm thấy rất đáng tiếc khi quảng bá cho hình ảnh du lịch của Thành phố, mà thiếu mất những điểm đến cổ kính, diễm lệ như những tòa dinh thự này.

Bên cạnh chuyện chụp hình lưu niệm mình đã “than thở” ở trên, việc xây dựng công trình ở Khu Bến Thành – Vòng Xoay Quách Thị Trang cũng khiến buổi tham quan của mình không được vui lắm.

Cả khu ấy giờ toàn lô cốt, tiếng ồn của máy khoan, trộn vữa và cả bụi bặm tràn ngập. Trong khuôn viên Bảo tàng cũng đang sữa chửa. Sắp tới sẽ có một quán cà phê ngay bên trong.

Chắc lần sau quay lại, khi việc xây dựng đã hòa thành, Covid cũng qua, nơi này sẽ trở lại như xưa, mình sẽ ngắm nhìn kỹ hơn nơi này, hứa luôn!

Cùng với các công trình do ông Hứa Bổn Hòa để lại cho Sài Gòn, Bảo Tàng Mỹ Thuật Thành Phố ngày nay vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp của mình dù đã đi qua hơn một thế kỷ.