Hướng dẫn sử dụng phương tiện di chuyển tại Singapore cho khách du lịch
Singapore có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại và tiện lợi bậc nhất thế giới. Đi cùng với đó là nhiều khác biệt khiến du khách Việt Nam không quen khi lần đầu đến Singapore. Sau khi trải nghiệm các phương tiện ở Singapore, mình xin chia sẻ kinh nghiệm cá nhân khi di chuyển ở đảo quốc Sư tử, đặc biệt là bằng các phương tiện giao thông công cộng.
Mục lục
- Có nên mua thẻ Ez-Link trước khi đến Singapore?
- Các ứng dụng (app) giúp bạn không “lạc lối” ở Singapore
- Hướng dẫn đi xe buýt ở Singapore
- Cách đi MRT/ SMRT cho khách du lịch tại Singapore
- Book taxi/grab/gojek/ComfortRIDE ở Singapore như thế nào?
- Cách di chuyển từ sân bay Changi Singapore về trung tâm thành phố
- Lưu ý quan trọng khi di chuyển ở Singapore
Có nên mua thẻ Ez-Link trước khi đến Singapore?
Ez-Link là một loại thẻ thanh toán phổ biến của Singapore. Người ta thường nạp tiền vào thẻ này và dùng nó để thanh toán vé đi các phương tiện công cộng cùng một số dịch vụ khác.
Bạn có thể mua hoặc thuê thẻ ở Việt Nam trước khi đến Singapore thông qua các agency uy tín. Thường thì thẻ được mua từ Việt Nam đa số chưa được nạp tiền hoặc có số dư rất ít. Lần đầu mình đi mình mua ở sân bay Changi ngay khi vừa nhập cảnh vào Singapore chứ không mua từ trước.
Mua ở sân bay thẻ mới với giá 10 SGD và có sẵn 5 SGD trong thẻ ở quầy đó luôn. Nếu bạn mua thẻ ở Việt Nam mà chưa nạp tiền hãy nạp tại Ticket Office gần cổng lối vào MRT ở Terminal 3 bằng tiền mặt.
Quầy mua vé MRT ở Sân bay Changi. Nguồn: pianotohikouki.com
Ngoài ra còn có thẻ STP (Singapore Tourist Pass), đây là loại thể dành riêng cho khách đến Singapore du lịch, sẽ mua vé di chuyển theo ngày. Có các mức: 1 ngày 3 SGD, 2 ngày 5 SGD, 3 ngày 10 SGD,… để du khách lựa chọn phù hợp với lịch trình.
Bên cạnh Ezlink và STP, Mastercard/Visa hoặc thể NETs bank card cũng dùng để thanh toán vé đi xe buýt, MRT được. Những thẻ này mình chưa dùng để mua vé nên không rõ có bị charge phí hay chênh lệch ngoại tệ gì không.
Các ứng dụng (app) giúp bạn không “lạc lối” ở Singapore
Hãy cài sẵn trên điện thoại và tìm hiểu cách dùng app bản đồ, hướng dẫn đường đi ở Singapore để không bối rối khi ở đất khách bạn nhé!
Bạn đang có sẵn tên/vị trí hiện tại bạn đang đứng và tên/địa điểm bạn muốn đến, đây là những thông tin bạn cần xác định bằng các app chỉ đường:
1. Đi phương tiện nào tối ưu nhất: tốn ít thời gian, ít phải đi bộ, giá tiền hợp lý nhất hoặc ít thay đổi trạm hay phương tiện khác… các tiêu chí tùy vào mỗi cá nhân.
2. Địa điểm đón xe buýt hoặc exit và platform nào của trạm MRT. Điều này rất quan trọng, đa số mọi người bị lạc hoặc đi nhầm vì chọn sai điểm lên xe/tàu.
- Trạm xe buýt: Tên trạm và mã số xe dừng ở trạm thường được gắn trên cây cột bên cạnh hàng ghế ngồi đợi xe. Mình hay kiểm tra trước thông tin ở biển báo đó trước khi đợi xe đến và lên xe.
Chú ý ở những trạm xe buýt có biển tên trạm và các xe buýt sẽ dừng ở trạm này.
- Lối ra vào và Platform của 1 trạm MRT: Trạm MRT thường rất rộng, có nhiều lối ra vào và platform. Nếu đi nhầm, bạn sẽ đi lại rất phiền phức và chán nản.
Biển báo exit ở trạm MRT
3. Giá vé phải trả là bao nhiêu
4. Lộ trình đi sẽ qua những trạm nào
Mình đề cử 2 app mà mình thường dùng song song với nhau đó là Google maps và Citymapper.
Google maps thì quá quen thuộc rồi. Ở Singapore, bạn nên lưu ý chọn phương tiện cho hành trình để app cho bạn gợi ý chính xác nhất. Mình thường dùng Google Maps khi đi bộ và tìm exit khi đi tàu điện ngầm.
Chú ý chọn phần phương tiện công cộng (icon đầu tàu) và check phần đi bộ với đoạn đường ngắn.
Citymapper có những ưu điểm mà app khác không có đó là hiện giá tiền cho cả hành trình và có thông báo (rung/ chuông) khi sắp đến trạm. Điều này rất quan trọng vì ở Singapore, xe buýt rất ít có thông báo tên điểm dừng, khách du lịch không quen đường sẽ khó lòng biết được khi nào sắp đến điểm xuống xe. Những ai say xe như mình không thể dán mắt vào điện thoại để theo dõi trên google maps thì citymapper tiện lợi ở điểm này.
Chọn điểm khởi hành và điểm đến. Chọn hành trình phù hợp, có giá vé, thời gian đi để tham khảo.
Phương tiện giao thông ở Singapore bao gồm phương tiện công cộng (buýt, tàu điện ngầm, xe đạp (Anywheel) và phương tiện cá nhân. Bài viết này mình chỉ hướng dẫn cách sử dụng phương tiện công cộng (trừ xe đạp Anywheel). Hiện tại mình chưa trải nghiệm thuê xe đạp Anywheel nên mình hẹn ở một bài biết khác bạn nha.
Hướng dẫn đi xe buýt ở Singapore
Ưu điểm của phương án đi xe buýt là có nhiều trạm nên ít phải đi bộ. Còn nhược điểm là đợi xe đến lâu hơn (5 đến 15 phút) và nhiều tuyến xe đi hơi lòng vòng.
Đầu tiên hãy mở hai app chỉ đường mình giới thiệu ở trên để xác định lộ trình. Nếu đi buýt tiện hơn, bạn hãy di chuyển đến trạm xe buýt theo hướng dẫn của app.
Sau khi kiểm tra đúng trạm hãy mở citymapper để xem tiếp bao giờ xe bạn muốn đi sẽ đến trạm này.
Xe gần đến hãy vãy tay ra hiệu xe dừng lại, lên xe và tap thẻ vào máy như hình mình chụp bên dưới.
Chỗ tap thẻ khi lên xuống xe buýt
Sau đó chọn chỗ ngồi. Hãy chú ý biển báo ghế ngồi ưu tiên để tránh ngồi nhầm ghế.
Khi muốn xuống trạm kế tiếp, bạn nhấn chuông. Đợi xe dừng hẳn hãy tap thẻ và đi xuống.
Điều mình thích xe buýt ở Singapore là không có tình trạng xe đang chạy mà phải nhảy xuống như xe buýt ở Việt Nam. Đó đúng là bộ môn thể thao mạo hiểm và khó quên thời sinh viên của mình.
Cách đi MRT/ SMRT cho khách du lịch tại Singapore
Khác với đi xe buýt, đi tàu điện ngầm (MRT) cần chú ý các biển báo kỹ lưỡng hơn một chút. Mạng lưới MRT của Singapore được thể hiện qua sơ đồ này:
Bản đồ hệ thống MRT mới nhất ( bổ sung line nâu) ở Singapore. Bạn xem hình chất lượng cao hơn tại đường dẫn này https://mrtmapsingapore.com/
Hệ thống MRT chia thành 6 line đó là East-West Line (màu xanh lá), North-South Line (màu đỏ), North-East Line (màu tím), Circle Line (màu cam), Downtown Line (màu xanh dương) và mới đây là Thomson-East Coast Line (màu nâu).
Mỗi line này có một số trạm chuyển tiếp với những line khác. Ví dụ: ở line nâu có trạm Outram Park nối chuyến đi line tím và line xanh lá (như hình mình đánh dấu ở bên dưới). Dựa vào đây, bạn sẽ chọn được lộ trình đi của mình từ trạm MRT gần nhất.
Checkin MRT station Singapore.
Và tàu điện hạng nhẹ hơn (Light Rapid Transit – LRT, màu xám) có các line Bukit Panjang, Sengkang và Punggol.
Mình sẽ giới thiệu qua về trạm MRT ở Singapore. Nhìn vào sơ đồ ở trên, mỗi cái tên địa danh ở đây là 1 trạm MRT. Ở mỗi trạm MRT sẽ có những đặc điểm du khách cần quan tâm:
- Đầu tiên là vị trí của trạm MRT. Trên đường phố Singapore bạn dễ dàng nhìn thấy biểu tưởng như thế này, báo hiệu rằng có 1 trạm MRT ở gần đây. Nhiều địa điểm còn có biển báo đếm cho bạn còn bao nhiêu mét nữa đến trạm MRT.
Bản đồ khu vực xung quanh 1 trạm MRT
Biển báo vào một trạm MRT
Bảng thông báo tàu chuẩn bị vào ga
Tiếp đến là đi xuống ga. Trạm MRT ở Singapore thường ở dưới tầng hầm của một tòa nhà hoặc ở riêng độc lập. Bạn chỉ cần theo biển chỉ dẫn để đến trạm.
Đi theo biển báo để đến platform
Đi thang cuốn để xuống tầng platform
Kế đến là tap thẻ để đi vào platform chờ tàu đến. Khu cổng tap thẻ sẽ có quầy Ticket Office có nhân viên ở đây xử lý yêu cầu của khách. Cạnh đó thường có 1 hàng máy topup tiền vào thẻ tự động. Trong đó có 1 cây có hàng chữ Cash Accpeted – nếu bạn dùng tiền mặt thì chọn cây này. Dùng cây này như thế nào mình sẽ lên bài viết khác chi tiết hơn.
Tap thẻ để vào cửa
Thẻ đi tàu của bạn hết tiền, hãy tự nạp thêm ở đây
Cây nạp thẻ ezlink bằng tiền mặt
Tiếp theo là chọn platform. Ở mỗi line đều có hai điểm cuối ví dụ line đỏ: điểm đầu là Tuas Link và điểm cuối là Pasir Ris. Ở từng trạm (station) trên line này sẽ có 2 platform, 1 cái sẽ chạy hướng Tuas Link, cái còn lại sẽ đi về hướng Pasir Ris. Tùy vào trạm bạn muốn đến, bạn sẽ chọn platform phù hợp. Điểm này rất quan trọng, nếu chọn nhầm bạn sẽ đi ngược lại rất tốn thời gian.
Cuối cùng đến platform để lên tàu
Chú ý bản hành trình và mũi tên để chọn đúng platform
Những tàu mới có hành trình in ở đây. Địa điểm in mờ là tàu đã đi qua rồi. Ảnh có mình này ^^
Trạm MRT ở Singapore nếu quy mô nhỏ sẽ có từng 2-3 tầng, còn những trạm lớn nhiều khi để lên mặt đất bạn phải đi thang cuốn đế 5-6 tầng. Do đó, bạn cần chú ý quan sát các biển báo hoặc hỏi nhân viên để không bị đi lạc.
Tấm này mình mới chụp ở trạm MRT Orchard. Vì Xmas khách đông bất thường nên có nhân viên hỗ trợ phân luồng, hướng dẫn.
Khi đứng chờ tàu đến, bạn nên đứng ở mũi tên màu đỏ hai bên cửa. Mũi tên màu xanh lá dành cho khách xuống tàu.
Đứng đợi tàu ở vạch đỏ
Tàu điện ngầm luôn dừng ở mỗi trạm. Tín hiệu đóng mở cửa đều được thông báo trước. Hành trình và cửa mở được hiện thị trên bảng điện tử trên tàu, bạn cần quan sát kỹ lưỡng.
Đợi tàu dừng hẳn, khách đi xuống hết, bạn hãy lên tàu, đừng chen lấn.
Sau khi đến trạm, bạn xuống tàu, hướng theo bảng Exit để di chuyển. Bạn xem thử trên app hướng dẫn ra bằng lối Exit nào.
Trạm MRT Havelock mới khai trương của line nâu. Đây là bảng hướng dẫn các địa điểm tương ứng với Exit nào trong 5 exit của trạm. Ví dụ nếu bạn muốn ra đường Zion, bạn có thể đi exit 1,2,3
MRT được trang trí dịp Tết Nguyên Đán 2023 này.
MRT line mới vắng khách.
Cuối cùng là bạn tap thẻ để ra khỏi trạm MRT và tiếp tục hành trình.
Nếu tap thẻ báo lỗi như mình, hãy chụp ảnh và đến quầy vé để hỏi.
Book taxi/grab/gojek/ComfortRIDE ở Singapore như thế nào?
Tương tự như đặt xe ở Việt Nam, đi taxi hay các loại xe công nghệ khác ở Singapore cho bạn biết trước được giá hành trình đi qua app.
Taxi ở Singapore. Nguồn ảnh: MothershipSG
Một lưu ý quan trọng là tài xế sẽ từ chối chở quá số người của chiếc xe. Ví dụ xe 4 chỗ sẽ cho ngồi 2 người lớn mà thôi. Đặc biệt, với gia đình có trẻ em, cần trang bị ghế ngồi cho trẻ, nếu không có, tài xế cũng sẽ hủy chuyến.
Vào một số khung giờ như sáng sớm trước 10h sáng và tối khuya, giá xe sẽ đắt hơn rất nhiều so với các khung giờ còn lại trong ngày.
Book grab car ở Singapore. Nguồn ảnh: vulcanpost
Dịch vụ xe comfortRIDE, mình thấy gợi ý trên Google maps nhưng chưa thử lần nào.
Cách di chuyển từ sân bay Changi Singapore về trung tâm thành phố
Khi nhập cảnh Singapore thành công, bạn lấy hành lý và đi theo lối ra, chọn phương tiện để về trung tâm. Bạn có thể chọn: taxi, bus, MRT hay đặt xe công nghệ. Trong bài chia sẻ này mình sẽ chọn những phương tiện được nhiều khách du lịch chọn nhất là MRT, Bus và taxi.
Đi bằng tàu điện ngầm (MRT)
Sân bay Changi có 4 Nhà ga (Terminal) và trạm MRT về trung tâm đặt ở Terminal 3. Do đó, khi bạn đáp xuống Terminal 1,2,4, bạn cần đi xe bus hoặc tàu nội bộ (miễn phí) để đến Terminal 3 để đi tàu điện ngầm.
Mỗi nhà ga của sân bay Changi đều rất rộng nhưng được bố trí khá hợp lý, bạn chỉ cần đi theo biển hướng dẫn là có thể đi đến những nơi bạn muốn.
Biển báo chỉ dẫn có khắp nơi ở sân bay Changi
Mình thường nhìn lên các ký hiệu trên biển báo ở phía bên trên để tìm hướng ra trạm MRT, như hình bên dưới.
Biển chỉ dẫn sân bay Changi
Sau khi nạp tiền vào tap thẻ để vào platform chờ tàu, bạn chọn Platform A hoặc Platform B để về trung tâm.
Platform A MRT sân bay Changi
Bạn có thể thấy hành trình Platform B giống hệt Platform A.
Tùy vào khách sạn bạn ở mà bạn chọn xuống trạm Expo (chuyển tiếp đến Downtown Line) hay đi tiếp đến trạm Tanah Merah để đi tiếp line xanh lá (East West Line).
Trạm Tanah Merah, hãy chú ý biển hiệu để chọn đúng Platform.
Trạm Expo đổi chuyển đi Downtown Line.
Lưu ý ở trạm MRT ở sân bay Changi không có cây top-up tiền vào thẻ mà bạn phải tới quầy Ticket Office để yêu cầu nhân viên nạp bằng tiền mặt cho bạn.
Nếu đang ở Terminal 1, bạn có thể đi tàu (miễn phí) để đến terminal 3 rồi đi MRT vào trung tâm.
Đi xe buýt từ Terminal 4 về Terminal 3 (miễn phí vé) để đi MRT.
Đi bằng xe buýt
Khác với tàu điện ngầm, ở cả 4 terminal đều có trạm xe buýt về trung tâm. Cụ thể:
Terminals 1, 2 and 3: Có các xe số 24, 27, 34, 36, 53, 110 và 858
Terminal 4: Có các xe số 24, 34, 36 và 110
Bạn có thể dùng thẻ Ezlink, Mastercard/Visa hay NETs để thanh toán vé. Ngoài ra, bạn cũng có thể thanh toán bằng tiền mặt nhưng phải chuẩn bị số tiền chính xác vì sẽ không được đưa lại tiền thừa.
Đi bằng taxi
Tiện nhất là đi bằng taxi để về trung tâm thành phố vì chỗ đón xe taxi khá gần lối ra. Tuy vậy, chi phí đi taxi đắt đỏ hơn rất nhiều.
Bạn muốn đón taxi ở sân bay Changi thì chỉ cần đi theo biển hướng dẫn lên xe theo sắp xếp của nhân viên sân bay. Taxi ở đây không cõng thêm phí sân bay mà tính theo đồng hồ bình thường.
Biển báo nơi đón taxi về trung tâm.
Người điều phối sẽ hướng dẫn bạn đến xe ở cây cột số mấy.
Mình khá ấn tượng với taxi ở Singapore là bác tài tuổi hơi cao nên mình không nỡ để bác xách đồ bỏ vào cóp xe cho mình. Thêm vào đó, bác tài phóng xe cũng khá ghê, trên đường cao tốc vắng vẻ là đi toàn trên 100km/h. Đường xá ở Singapore chất lượng nên hành khách hay say xe như mình đây cảm thấy không khó chịu lắm.
Lần đi taxi từ Changi về nhà của mình, bác tài chạy trên 100km/h êm ru.
Lưu ý quan trọng khi di chuyển ở Singapore
Đi bộ
Mình muốn chia sẻ chi tiết một chút kinh nghiệm sử dụng phương tiện tự thân này ở Singapore. Đến đảo quốc sư tử, nếu dùng phương tiện giao thông công cộng là chủ yếu thì phải đi bộ rất nhiều. Điều này rất khác ở Việt Nam. Sau đây là một số thứ bạn cần chuẩn bị để đi bộ khoảng từ 8 đến 15 km/ ngày:
- Một đôi giày thật tốt: mềm, nhẹ và thỏai mái.
Đi bộ hơn 10.000 bước/ ngày là bình thường
-
Bình nước khoảng 600ml có thể fill thêm ở những nơi công cộng.
-
Một cây dù gấp, khăn giấy khô, giấy ướt, dầu gió, bánh kẹo thêm nếu bạn hay bị tụt đường huyết.
-
Smartphone với Sim đầy lưu lượng 3G, cục sạc dự phòng thật đầy pin.
Chuẩn bị đủ những thứ trên cùng ví tiền trong balo nhỏ chính là cảm giác an toàn dù bạn có ở đâu đi chăng nữa.
Vạch sang đường cho người đi bộ, bạn chỉ cần đi qua, xe sẽ dừng lại để bạn đi. Ở Singapore xe chạy rất nhanh, hãy cẩn thận đừng tự ý băng qua đường mà không tuân theo chỉ dẫn.
Để qua đường ở chỗ giao nhau có đèn giao thông, hãy nhấn nút này để xin đường mà không phải đợi quá lâu.
Đi xe buýt và MRT
- Xếp hàng lần lượt và đừng chen lấn: Ở Singapore bạn sẽ thấy người dân tuân thủ rất tốt quy tắc này. Line xanh lá đi sân bay Changi có những khung giờ rất đông đúc nhưng hành khách vẫn xếp hàng ở hai bên cửa lên xuống tàu rất trật tự.
Mọi người xếp hàng lên xuống MRT.
-
Đừng ngồi vào chỗ ưu tiên: Trên các phương tiện công cộng luôn có các ghế dành cho đối tượng ưu tiên: người già, người khuyết tập và phụ nữ mang thai.
-
Không ăn uống, nói chuyện to, hút thuốc, xả rác, mang đồ có mùi như sầu riêng… Trên xe buýt và MRT, có rất nhiều biển cấm, mình có chụp lại bên dưới. Mức phạt lên đến 5000 SGD.
Một số biển cấm ở trạm MRT
Ở Singapore người ta đi bên tay trái
Đi bộ, làn đường đi xe và cả đi thang cuốn hãy đi về bên trái, ai đó muốn vượt bạn sẽ đi về bên phải. Đừng dàn hàng ngang khi đi bộ hay đi cầu thang, sẽ có nhiều người nhìn bạn với ánh mắt kỳ lạ và bạn sẽ liên tục “được” nghe tiếng “sorry” đó.
Người Singapore đi bên tay trái
Làm gì khi bị lạc đường ở Singapore
Nếu không may bị lạc đường, không biết nên đi như thế nào, người thì mệt đừ không đi bộ nổi. Lúc này, mình gợi ý cho bạn một cách, đó là ra đường lớn một chút, vẫy 1 chiếc taxi. Trường hợp không đọc được địa chỉ, bạn viết ra hoặc đưa điện thoại có tên địa điểm cần đến cho tài xế, họ sẽ chở bạn đến nơi. Tuy tốn tiền nhưng theo mình đây là cách tốt nhất.
Và cuối cùng, ở Singapore internet vô cùng quan trọng, để giúp bạn tra cứu nhiều thông tin. Vậy nên đừng tiết kiệm mà hãy mua ngay khi đặt chân đến Singapore nhé! Hy vọng bài viết về phương tiện di chuyển ở Singapore cho khách du lịch này của mình giúp ích cho bạn. Cần thêm thông tin gì về du lịch Singapore, đừng ngần ngại hãy liên hệ với mình nhé!