Bí quyết cho content writer | Cách viết mô tả sản phẩm
Viết nội dung cho sản phẩm là một nhiệm vụ gần như quen thuộc đối với content writer làm việc cho doanh nghiệp. Để thực hiện tốt nhất công việc này ngay lần đầu tiên, bạn hãy tham khảo bài chia sẻ này của mình nhé!
Mục lục
- Tiêu chí cơ bản nhất cho nội dung mô tả sản phẩm
- Viết mô tả sản phẩm ở đâu?
- Từ thông tin kỹ thuật đến ngôn ngữ quảng cáo
- Sản phẩm mới: Hãy mở đầu bằng một câu chuyện sinh động
Đối với sản phẩm dịch vụ, ngoài nội dung eBook, content writer thường đảm nhận 2 nhiệm vụ đó là: viết mới hoặc biên tập lại mô tả sản phẩm và tạo headline – câu chuyện ấn tượng cho sản phẩm chuẩn bị tung ra thị trường.
Tiêu chí cơ bản nhất cho nội dung mô tả sản phẩm
Có nhiều phong cách cũng như format bạn có thể áp dụng cho dạng nội dung này, dù bạn chọn cách tiếp cận như thế nào, bạn cũng nên nắm vững các tiêu chí tối thiểu để cho nội dung mô tả sản phẩm đạt hiệu quả cao nhất
Ngắn gọn, xúc tích
Nguyên tắc này còn được gọi là K.I.S.S – Keep It Short and Simple, nghĩa là giữ cho nội dung luôn ngắn và đơn giản. Thông thường nội dung mô tả sản phẩm thường được giới hạn số chữ, tuy nhiên phải đủ ý. Do đó, người làm content có thể chuyển đổi thành format hình hoặc bảng biểu để người đọc dễ dàng nắm thông tin hơn.
Một sản phẩm tour du lịch của Vietravel, bạn có thể tham khảo cách thương hiệu triển khai nội dung sản phẩm.
Văn phong giản dị và phổ thông
Nếu sử dụng lối viết bay bổng hoa mỹ dùng nhiều từ đa nghĩa ẩn dụ, người đọc sẽ dễ dàng lướt qua vì mục đích của họ là tìm kiếm thông tin để mua sắm chứ không phải để thưởng thức thơ văn. Bạn dùng cách viết giản dị sẽ dễ dàng chiếm được cảm tình của khách hàng, nhất là khi bạn đang bán mặt hàng phổ thông, đại chúng.
Tối ưu hóa nội dung tốt cho công cụ tìm kiếm
Nhiều bạn làm content SEO chỉ chú trọng các bài viết trong mục tin tức, blog còn trang sản phẩm và category thì đẩy cho SEOer và kỹ thuật. Trong khi thực tế, đây mới là những trang “hái ra tiền” chủ yếu. Nó được xem như một cửa hàng online, bạn cần chăm chút thật tốt để khách hàng vào sẽ ở lại lâu hơn và quyết định mua hàng dễ dàng hơn.
Dù số lượng chữ tương đối ít đi chăng nữa, bạn cần phải chèn thêm keyword chính vào, chèn thật tự nhiên, tránh lạm dụng. Bên cạnh đó, tiêu đề các thẻ heading, description cũng cần được chú trọng tối ưu.
Yếu tố SEO cũng được chú trọng ở trang sản phẩm trên website
Có thể bạn quan tâm: Cách viết eBook trong Quảng Cáo Marketing
Viết mô tả sản phẩm ở đâu?
Mình đã gặp không ít trường hợp các bạn biên tập bê nguyên content sản phẩm từ website lên các trang mạng xã hội như Facebook, Intagram hoặc ngược lại copy content trên social rồi paste vào web. Việc làm này gây khó chịu cho người dùng và thể hiện sự không trau chuốt về mặt content trên môi trường số của thương hiệu.
Do đó, cách làm tốt nhất chính là tùy vào từng nền tảng mà nội dung mô tả sản phẩm nên khác nhau về cách triển khai và vẫn tuân thủ content direction cho sản phẩm đó.
- Nền tảng Facebook, Instagram, Zalo: Tâm thế của người dùng khi vào 3 kênh này chủ yếu để giải trí, trò chuyện, xem tin tức và một phần nho nhỏ là để mua hàng (chỉ với những shop quen của họ). Do đó, khi bạn muốn đưa sản phẩm lên những kênh này hãy chú ý đến hình ảnh (thật chỉnh chu và thẩm mỹ cao) và nội dung chữ ngắn gọn, ấn tượng.
Bài viết trên Fanpage The Coffee House về Sản phẩm tung ra dịp Tết 2021
Còn đây là bài mô tả sản phẩm trên website và App
- Nền tảng video như Youtube, Tik Tok: Chuyển nội dung sản phẩm thành dạng content video không hề đơn giản. Bạn không thể đưa sản phẩm lên và chỉ đọc hết tất cả đặc điểm công dụng của nó. Người xem ngày nay khó tính hơn nhiều và họ sẽ không cho nội dung của bạn có cơ hội play đến giây thứ 5 đâu. Vậy nên, thay vì nhồi nhét nội dung sản phẩm, bạn hãy dùng format review, trải nghiệm chân thực sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Nội dung review, trải nghiệm sản phẩm được ưa chuộng trên nền tảng video
- Website, các sàn thương mại điện tử: So với hai dạng nền tảng trên, website và sàn TMĐT mới là kênh bán hàng đích. Khách hàng đến đây mục đích chỉ xoay quanh chuyện mua hàng mà thôi. Có thể họ đang tham khảo giá hay xem thông tin và thậm chí chốt đơn thanh toán ngay. Vậy nên bạn hãy đầu tư cho content sản phẩm ở 2 kênh này nhé! Muốn tham khảo cách làm, bạn chỉ cần search các brand đầu ngành rồi xem website cũng như kênh Shopee của họ là sẽ nhận ra ngay.
Từ thông tin kỹ thuật đến ngôn ngữ quảng cáo
Ở phần trước mình đã đề cập đến nội dung thay đổi theo nền tảng, còn ở phần này mình muốn chia sẻ khía cạnh nội dung về sản phẩm cần phù hợp với người đọc/ khách hàng. Phù hợp ở đây chính là đủ thông tin khách hàng muốn biết và cách thức trình bày hợp lý.
- Về thông tin sản phẩm: Nguồn gốc/Nhà sản xuất, mẫu mã, hình ảnh thực tế, thông số kỹ thuật, thành phần, giá cả, cách thức thanh toán, giao hàng/ mua hàng – là những ý cơ bản cần có của nội dung mô tả. Tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng mang từng ấy thông tin đặt ở các nền tảng mà bạn chỉ cần 1 landing page có đầy đủ thông tin cho khách đặt mua hàng là được.
Bài viết trên fanpage về sản phẩm mới ra mắt
Trang nội dung sản phẩm điện tử, máy móc hiện nay thường có bố cục như thế này
Khi triển khai nội dung này, bạn không cần liệt kê hết thông tin kỹ thuật (nếu mặt hàng là máy móc) mà chọn lọc những ý cơ bản, dễ hiểu mà khách hàng cần nhất. Ngoài bản tóm tắt thông số, bạn cần diễn giải vài điểm nổi bật nhất của sản phẩm – điều mà khách hàng đang mong đợi sản phẩm có thể giải quyết được vấn đề của họ. Đây mới chính là văn phong của quảng cáo tiếp thị.
- Về cách thức trình bày: Ở đây mình chỉ nói về landing page- trang đích của sản phẩm. Hãy kết hợp cùng nhân sự chuyên về UX/UI để cho ra thành phẩm giao diện tốt nhất, vừa đủ thông tin, vừa thẩm mỹ, dễ nhìn.
Cả hai yếu tố này bạn dễ dàng nhận ra ở những brand TMĐT lớn trên thị trường. Bên cạnh đó, để giữ chân khách hàng ở lại gian hàng lâu hơn, các trang landing page sử dụng không chỉ text, hình ảnh mà còn video, infographic, quiz/game, đánh giá…
Ghé qua một gian hàng trên sàn TMĐT Shopee bạn sẽ học được nhiều điều.
Sản phẩm mới: Hãy mở đầu bằng một câu chuyện sinh động
Để khách hàng nhớ đến thương hiệu đã là việc không đơn giản, mà còn nhớ đến một sản phẩm mới lại càng khó hơn. Vì vậy, khi tung sản phẩm mới ra thị trường, bạn chỉ cần cho khách hàng ấn tượng đến một vài đặc điểm của sản phẩm là được. Để làm được điều này, bạn không chỉ dừng lại ở các bài viết thông tin sản phẩm đính kèm với khuyến mãi mà nên khéo léo lồng ghép các yếu tố từ nhu cầu khách hàng để tạo thành một “câu chuyện” thay vì một “chiến dịch” đơn thuần. Đó cũng là mục đích mà kỹ năng storytelling đang được ưu chuộng hàng đầu trong ngành PR Marketing hiện nay.
Mình không phải là chuyên gia storytelling, bạn có thể tìm hiểu thêm về keyword này. Bên dưới đây là ví dụ “kể chuyện” cho sản phẩm sinh động, hãy tham khảo nhé!
Câu chuyện được thương hiệu thời trang LEP kể bằng TVC
Khi mà truyền thông đa phương tiện phát triển như vũ bão hiện nay, khách hàng mục tiêu của bạn ngày càng ít thời gian và khó tính hơn với nội dung quảng cáo, nhất là khi họ chưa có nhu cầu cấp thiết phải dùng sản phẩm của bạn. Vậy nên để làm tốt nội dung về sản phẩm, góp phần tăng chuyển đổi, người làm content writer cần không ngừng cập nhật thị trường, công nghệ - kỹ thuật mới, đem đến cho khách hàng trải nghiệm mua hàng tốt nhất trên nền tảng số.
Quảng cáo marketing sản phẩm giờ đây không chỉ dựa vào khuyến mãi, giảm giá. Nguồn ảnh: oleoshop
Và điều cuối cùng mình muốn chia sẻ trong chủ đề này chính là tính thống nhất. Hãy viết nội dung mô tả sản phẩm bám sát content direction của chiến dịch, đừng để nó bơ vơ, lạc quẻ. Dù sáng tạo hay chỉnh chu, nội dung này cũng nên là một thể thống nhất, mang đậm dấu ấn thương hiệu bạn nhé!
Xem thêm nhiều chia sẻ về nghề tại: Nghề Content