Bão số 9 (Molave) tâm bão Quảng Ngãi ngày 28/10/2020
Có lẽ mãi về sau, cái ngày ấy mình sẽ chẳng quên. Cả nhà mình người ở Quảng Ngãi – người ở Sài Gòn đều đứng ngồi không yên. Bốn ngày sau khi cơn cuồng phong ấy đổ bộ vào Quảng Ngãi, nhà mình bị tốc hết mái và vẫn chưa có điện…
Bão lũ với miền Trung nói chung, quê mình Quảng Ngãi nói riêng không có gì lạ lẫm. Bão thì năm nào cũng đón. Trung bình 10 đến 15 cơn bão vào biển Đông thì ảnh hưởng hoặc đổ bộ vào quê mình tầm 9-10 trận. Thế mà cơn bão số 9 năm nay khiến cả người lớn tuổi ở quê mình khiếp sợ, nhìn cảnh tượng tan hoang sau bão mà thẫn thờ.
Mục lục
- D-2: Hai ngày trước bão số 9 đổ bộ
- D-1: Ngày 27/10/2020
- D-Day: Bão số 9 đổ bộ 1.11h đến 13h trưa 2.Bão số 9 quét qua – Nước sông Vệ dâng cao
- Hai ngày hậu bão lũ
D-2: Hai ngày trước bão số 9 đổ bộ
Chiều tối 26/10, mình lướt tin trên Facebook đọc được cảnh báo của tiến sĩ Huy Nguyễn về cơn bão số 9. Ngay lập tức, mình báo liền cho bố mẹ đang ở quê (vùng hạ lưu sông, ven biển Quảng Ngãi). Theo dự báo, bão sẽ ảnh hưởng đến Nam Trung Bộ từ tối ngày 27 đến ngày 28/10. Tức là nhà mình còn chưa đến 24 tiếng để chuẩn bị phòng chống bão.
Hôm ấy, bác mình từ Hà Nội vào Quảng Ngãi dự đám cưới người quen, tiện thể ghé thăm nhà mình. Không may cho bác, gặp đúng thời điểm bão vào.
D-1: Ngày 27/10/2020
Sáng hôm ấy, mình lại nhắn bố mẹ tranh thủ mua nước, đồ ăn dự trữ cho 3, 4 ngày, chạy nước sinh hoạt và mua thêm nến vì dễ bị cắt điện. Trong lúc đó, báo đài và các trang mạng xã hội đưa tin hình ảnh người dân các huyện gần bên đi di dân vì bão, làm mình càng lo hơn. Bố mẹ mình lại chở bác mình ra thị xã ăn sáng đi cà phê !?!?
Người dân ở huyện Bình Sơn, huyện Tư Nghĩa đi sơ tán trước khi bão đổ bộ.
Bà còn dùng bao cát chèn mái nhà trước khi bão đổ bộ
Trời sáng hôm ấy có nắng, trong xanh. Đúng như kiểu khoảng lặng trước thảm họa vậy.
Cũng may là 8h sáng bố mẹ đã về, trên đường mẹ đã mua thêm thức ăn. Bác mình cũng ở an toàn trong khách sạn. Bà con quê mình dằn lại mái nhà, mua đồ dự trữ khẩn trương. Tuy vậy, không ai có thể hình dung được lần này trận cuồng phong khủng khiếp đến thế nào.
Bởi sau khi bão đi, gọi điện cho mẹ, mẹ mới kể rằng nhà mình cũng chuẩn bị, nhưng nghĩ chắc cũng mưa to thôi, nên bố mẹ che chắn lại cho đỡ tạt nước vào nhà, ai ngờ…
22h00 tối, tranh thủ lúc chưa cúp điện mình gửi cho bố mẹ số điện thoại khẩn tìm kiếm cứu nạn. Gần như có thông tin gì mình cũng gửi. Bố mẹ nhắn lúc này trời đã bắt đầu mưa, có gió cấp 4, cấp 5.
D-Day: Bão số 9 đổ bộ
6h sáng bố gọi điện thoại cho mình. Mình không bắt máy được, phải nửa tiếng sau mới gọi lại cho bố. Bố nói 2h sáng đã cúp điện, trời đã mưa gió to dần lên. Mình nạp tiền điện thoại cho bố mẹ để tiện liên lạc.
Lúc này, chị em mình ở Sài Gòn xem trên tin tức biết rằng bão vẫn chưa vào, còn cách bờ đến hơn 100km. Hoảng hơn khi nhìn thấy tâm bão quét ngay qua quê mình. Bão không suy yếu đi và “Không có cơ may nào cho chúng ta thoát cơn bão này”.
9h sáng, mình nhắn cho bố mẹ : khoảng 11-12h trưa bão vào, lúc này gió sẽ mạnh nhất. Bố mình không tin, bố nói 2 tiếng qua gió đã to lắm rồi, bố nghĩ bão đã vào. Khoảng 10h trưa, mái tôn hiên nhà và bếp dưới nhà mình bị tốc.
11h đến 13h trưa
Chưa bao giờ mình thấy 2 giờ đồng hồ trôi qua chậm đến vậy, cũng chưa bao giờ mình F5 các trang báo điện tử, Facebook điên cuồng đến vậy, cũng chẳng có tâm trí nào làm việc. Lúc này bão đã chính thức vào vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi.
Mình gọi điện thoại cho bố mẹ không được, mạng báo thuê bao và nhắn tin cũng không thấy trả lời. Xem tin tức trên Facebook nói rằng do cột điện ngã nhiều, trong đó có cây phát tín hiệu của mạng Viettel nên sim nhà mạng này không liên lạc được. Mình chuyển qua gọi sim Vinaphone cho bố mẹ thì được.
Bố bảo gió khủng khiếp lắm, nhà mình bay mái tôn tầng 2 rồi, mái nhà thờ đang có nguy cơ. Gió bão “quần thảo” khu mình ở kinh khủng lắm. Mình dặn bố mẹ đừng ra khỏi phòng (tầng dưới nên đúc bê – tông, tường 2 lớp kiên cố), kệ đồ đạc, ra ngoài dễ bị trúng tôn, ngói bay lạc, sàn ướt trơn trợt dễ té ngã.
Vì lo sợ, bố mẹ chẳng ăn uống gì được. Khi mắt bão qua, nó ngưng gió một lúc, trời hơi sáng, sau đó, gió trở chiều và quật lại lần nữa. Lúc này mái nhà trên của mình cũng không giữ nổi. Gọi điện thoại về cho mẹ mà nghe ồn lắm vì gió, tiếng tôn va vào nhau…
Xem clip được người quê đăng tải lên, gió bão bốc từng mảng tôn, mái ngói trông nhẹ nhàng lắm, cả tôn áp vào tường để tránh nóng cũng bị bóc sạch. Cây cối bị bật gốc, gãy giữa thân đã đành, có những chỗ cây dừa cây cau bị tách đôi thân nữa chứ.
Mình sống ở Quảng Ngãi đến năm 18 tuổi, chưa bao giờ nhà mình bị thiệt hạ nặng vậy. Quê mình nhìn chung bà con làm nhà cũng kiên cố so với nhiều nơi, bao năm qua cũng ít thiệt hại vì bão. Đợt bão này ai nấy nhìn hậu quả đều thất thần.
Mình ở Sài Gòn lo nhà các dì, cậu không biết có sao không, vì nhà không đổ bê tông mà cũng không đi sơ tán. Bạn bè cùng quê mình hỏi thăm tin tức nhau, mình mới biết có nhà phải trốn trong nhà tắm, nhà thì trốn trong vựa lúa. Nhà nào cũng thiệt hại, không ít thì nhiều. Mình cảm ơn trời đất là không có thiệt hại về người.
Người dân tìm mọi chỗ an toàn để tránh bão số 9
Bão số 9 quét qua – Nước sông Vệ dâng cao
Đến chiều, nước sông Vệ lên nhanh không tưởng. Theo báo đài, nước sông đã trên báo động 3 hơn 1m. Mình gọi về nhà, bố nói nước lớn rồi, đã băng qua đường. Khoảng 6h tối, nước lụt đã vào sân nhà mình, chỉ còn 10 phân là vào nhà.
Bão kèm mưa to khiến nước sông lên nhanh.
Nhà mình tầng hai thì bay mái, mà giờ nước lụt vào không biết chuyển đồ đi đâu. Mình lo sức khỏe bố mẹ, ăn uống không biết được không nữa. Bố thì bị huyết áp cao, mẹ thì bị tiền đình.
Tối đó chắc bố mẹ cũng chẳng ngủ nổi, canh nước lụt. Nhà mình mà nước vào thì trên Nghĩa Hành chắc nước lên tới mái nhà. Mình xem tin tức, Quảng Ngãi nhiều khu bị chia cắt vì nước lũ.
Bên trên bão tốc mái, bên dưới nước lũ lên.
Cũng may, nước lụt không lên thêm, không vào nhà mình. Sáng hôm sau, bố mẹ phải tranh thủ cào rửa bùn, sợ có khô lại khó dọn rửa.
Hai ngày hậu bão lũ
Sau bão, cảnh quê mình không thể tan nát hơn. Cây cối trụ điện gãy đổ đầy đường. Mái tôn, biển quảng cáo, ngói vỡ nằm ngổn ngang. Ở vùng trũng nước còn chưa rút, nhà cửa thêm hoang tàn.
Trường học sau bão
Lúc này, bà con mình cần nhất là nước sinh hoạt vì đang mất điện không chạy nước được. Tôn, ngói và nhân công để lợp lại nhà. Nhà ai cũng bị bay mái nên họ lo sửa nhà của mình trước. Nhà mình neo người, bố mẹ cũng dọn dẹp bên dưới trước, kéo tôn bị bay về, phải đợi dượng mình sửa xong nhà của dượng rồi xuống nhà mình giúp 1 tay.
Vì cúp điện nên bà con quê mình xoay xở để tìm nguồn nước và sạc pin. Ảnh: Giếng truyền thống giúp người dân vượt qua cảnh thiếu nước. Các cửa hàng của Viettel cho người dân sạc pin miễn phí.
À, còn một vật phẩm nữa cũng trở nên hot hơn bao giờ hết, đó là máy phát điện.
Nhiều cửa hàng bán máy phát điện nhanh chóng cháy hàng.
Nhà nhà người người cần sạc pin điện thoại, chạy nước lên bể để sinh hoạt. Bởi vậy, mặt hàng này nhanh chóng được săn dón, giá máy không rẻ (tầm 15tr/ máy) thế mà hết hàng. Nhiều người phải đi thuê máy về dùng trong 1 – 2 tiếng.
Máy phát điện lưu động phục vụ bà con sau bão số 9.
Sau bão số 9, tôn và ngói là mặt hàng cần thiết nhất cho người dân. Ảnh: Dân quê mình chủ động tìm nguồn ngói, tôn.
Do bão làm hư hỏng nặng hệ thống trụ điện, dây điện của cả tỉnh nên cơ quan điện lực báo phải mất 3 – 4 ngày để sửa chữa rồi mới có điện lại cho người dân.
Trụ điện bị gẫy đổ sau bão số 9
Nhà mình trước khi cúp điện, mẹ đã chạy nước đầy bồn chứa, nên cũng có nước nấu ăn, nhưng phải tiết kiệm tối đa. Dùng nước mưa để vệ sinh, rửa chén, đồ dơ thay ra phơi nắng để đó chứ chưa có nước để giặt được.
Nhìn chung không thiếu thực phẩm, quần áo, bà con chỉ mong có điện thôi.
Tối đó, bình tĩnh hơn mẹ mới kể cho chị em mình nghe.
Gió khủng khiếp lắm luôn, bố mẹ tái cả mặt, chiều nấu bún ăn mà nuốt không nổi. May là nhà mình có dự trữ thuốc, bố mẹ đã uống kịp thời chứ không cũng đuối sức. Mẹ bảo gió luồng qua ô thông gió và giật cửa phòng ầm ầm. Bố mẹ đã kéo được tôn lên che tạm rồi, tình hình cũng ổn.
Sau bão số 9, khắp nơi đều là mái tôn, cây gãy đổ….
Nhà dì, cậu mình cũng bị tốc mái. Mẹ kể chuyện bão nhà dì mình mà cười không nổi luôn. Chẳng là dượng mình người nơi khác, bão lũ lớn hồi giờ dượng chưa thấy. Lúc bão số 9 vào, dượng còn mở cửa xem bão trông thế nào. Lúc tâm bão qua, mái ngói bị lật, dượng gọi to dì mình đang nấp trong nhà tắm : “Sao nhà mình sáng vậy ?” Haizz. Người lớn nhà mình ít tuổi nhất cũng hơn 40 thế mà trước bão số 9 ai cũng bối rối.
Mẹ cũng kể, bộ đội về giúp dân mình nhiều lắm, dọn dẹp trường học, cơ quan, giúp nhà neo đơn lợp lại mái nhà. Nghĩ lại bao năm nay, lũ lụt hay bão đến, dân mình lúc nào cũng mong ngóng bộ đội về cứu trợ, nhanh, kịp thời nhất.
Nhiều ngôi nhà bị sụp và mất mái hoàn toàn sau bão số 9.
Người dân khẩn trương tự mình khắc phục hậu quả của bão
Có mặt đúng lúc dân cần nhất, các anh bộ đội giúp dân sửa chữa nhà cửa, trường học và các công trình khác để dân sớm quay lại cuộc sống thường ngày.
Để sớm đưa điện về cho bà con, ngành điện lực ra quân khẩn trương sửa chữa cơ sở hạ tầng điện.
Những ngày chờ điện về, ánh đèn dầu nến là lựa chọn duy nhất
Tạm kết
Cơn bão này cho dân mình nhiều bài học lắm, nhất là không được chủ quan trước thiên tai. Còn về chuyện nhận quà, tiền cứu trợ, dân mình chưa thấy, cũng chẳng ai đòi hay mong đợi, phần nhà nào nhà nấy cũng tự lo sửa chữa dọn dẹp lấy. Chỉ thương những nhà neo đơn, bão làm sụp nhà mà không biết phải làm sao khi bão số 10 chuẩn bị vào tiếp.
(Ảnh: Mình tổng hợp từ các trang fb Người Quảng Ngãi, Người Mộ Đức, Thầy Vũ Ngô)