Kinh nghiệm lần đầu xin thẻ Long-Term Visit Pass Singapore
Mình đã xin thẻ Long-term Visit Pass Singapore thành công và muốn chia sẻ quy trình cũng như kinh nghiệm cho những bạn đang chuẩn bị apply.
Mục lục
- Mình apply thẻ Long-term Visit Pass theo diện nào?
- Thủ tục, giấy tờ cần chuẩn bị để apply LTVP
- Quy trình của ICA với LTVP application
- Bao lâu thì nhận được thẻ LTVP?
- Chi phí xin thẻ LTVP 2022 là bao nhiêu?
- Một vài lưu ý để quá trình apply được nhẹ nhàng hơn
Mình apply thẻ Long-term Visit Pass theo diện nào?
Chồng mình là Ph.D Student nên anh ấy có thể bảo lãnh cho mình. Trường đại học nơi anh ấy đang công tác sẽ tài trợ cho mình. Do đó, mọi thủ tục của mình đều được nhân viên của trường tư vấn cũng như cung cấp giấy tờ xác nhận cần thiết.
Thẻ Long-Term Visit Pass (LTVP) là thẻ đầu tiên ICA cấp cho đối tượng người nước ngoài muốn ở lại Singapore lâu hơn thẻ Short-Term (30 ngày). Khi mình nhập cảnh thành công vào Singapore, mình được hệ thống của ICA cấp cho thẻ short term (còn được gọi là thẻ trắng) có số DE (Disembarkation/Embarkation). Lúc này, mình dùng Passport (Travel Document) và DE để điền các thông tin trong application form.
Diện Long-Term Social Visit Pass của mình khác với các chị em người Việt lấy chồng người Singapore hay người Việt có Perment Resident bảo lãnh người thân qua Singapore.
Rất ít trường hợp apply giống vợ chồng mình, nên tụi mình vừa làm vừa tìm hiểu nên cũng không hề dễ dàng hay nhanh chóng gì cả.
Thủ tục, giấy tờ cần chuẩn bị để apply LTVP
Như đã đề cập ở trên, tụi mình chuẩn bị giấy tờ theo hướng dẫn của đơn vị tài trợ - Trường Đại học. Với nghiên cứu sinh Ph.D, chồng mình liên hệ Postgraduate Research Programmes & Research Administration của trường, đề đạt mong muốn và được người phụ trách hướng dẫn các bước tiếp theo.
Về phía người bảo lãnh/tài trợ
Chồng mình đã chuẩn bị các giấy tờ để chứng minh anh ấy là đang làm việc và học tập tại một trường đại học tại Singapore như:
-
Thẻ sinh viên
-
Student Pass
-
Giấy xác nhận sinh viên của trường
-
Passport
Vì chồng mình là người nước ngoài nên hồ sơ cần phải có hình chụp Passport. Ngoài ra, giấy xác nhận sinh viên cần có các nội dung: Tên, ngày tháng năm sinh, ID thẻ student, chuyên ngành, thời gian bắt đầu học, đang ở giai đoạn nghiên cứu nào, thời gian tốt nghiệp dự kiến. Người phụ trách hành chính kí ghi rõ họ tên.
Về phía người nộp đơn
Là người được bảo lãnh, mình chuẩn bị những loại giấy tờ sau từ Việt Nam:
-
Passport
-
Giấy chứng nhận kết hôn (dịch thuật công chứng và bản gốc)
-
Covid-19 vaccine certificate
-
Ảnh thẻ 3x4 (phông trắng)
Những giấy tờ này đều scan thành file hình để upload lên website của ICA. Ban đầu mình chuẩn bị như trên, sau mỗi giai đoạn ICA yêu cầu gì thì mình bổ sung thêm.
Quy trình của ICA với LTVP application
Mình chia thành 3 giai đoạn từ lúc bắt đầu chuẩn bị hồ sơ đến khi nhận được thẻ. Dù nhanh hay chậm thì trường hợp xin thẻ long-term lần đầu như của hai vợ chồng mình cũng đều trải qua những giai đoạn này.
Giai đoạn 1: Submit hồ sơ trên website của ICA
Sau khi dịch thuật công chứng tất cả giấy chứng nhận gốc tiếng Việt, mình bay sang Singapore vì cả hai vợ chồng mình phải lên trình diện ICA để nhân viên ở đó hướng dẫn tiếp thủ tục. Lần này mình qua Singapore với thẻ trắng, nhập cảnh như khách du lịch với các giấy tờ sau:
-
Passport
-
Chứng nhận đã tiêm vaccine Covid-19
-
SG Arrival card (Bạn lên website ICA điền thông tin cũng đơn giản)
Cùng các giấy tờ bản gốc của hồ sơ LTVP, mình nhập cảnh bình thường và trả lời các câu hỏi của nhân viên hải quan. Họ cho mình qua và đồng thời mình nhận được mail Electronic Visit Pass – thay cho đóng dấu mộc trong Passport.
Nhập cảnh vào Singapore sau khi đã chuẩn bị đủ giấy tờ.
Bước tiếp theo là đi đến ICA. Mình đi cùng chồng lên lầu 4 của tòa nhà và xếp hàng để trình bày trường hợp của mình và nhân viên đưa số thứ tự để vào tiếp bên trong.
Đến số của mình, nhân viên sau khi xem qua hồ sơ tụi mình chuẩn bị đã hỏi địa chỉ ở Singapore và địa chỉ email. Người ta cẩn thận viết lại và đưa cho tụi mình check 1 lần nữa cùng lời dặn thư sẽ đến trong 1-2 tuần làm việc (không tính thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ) hãy check mail box để nhận thư.
Đợi đến số thự tự để nộp hồ sơ LTVP lần đầu
Mình nhận được 2 thư, một thư có đường link trên website ICA và một thư chứa mã đăng nhập. Sau khi đăng nhập tài khoản, mình thấy được form đăng kí LTVP cùng hướng dẫn.
Hai lá thư ICA gửi vào mailbox ở địa chỉ mình cung cấp
Lúc này mình cần phía trường (đơn vị sponsor) xác nhận lại hồ sơ theo mẫu ICA cấp. Sau khi nhận lại được bản xác nhận đó, mình submit tất cả các giấy tờ và thanh toán phí trên đường link mà ICA cung cấp lúc trước.
Giai đoạn 2: Chờ ICA xem xét, bổ sung thêm hồ sơ nếu được yêu cầu
Khi Submit thành công, mình nhận được email nói rằng ICA sẽ xử lý hồ sơ và trả kết quả trong vòng 6 tuần. Thời gian này đúng là chờ đợi mòn mỏi. Đến tuần thứ 5 mình nhận được mail phản hồi rằng hồ sơ của mình đã được chấp thuận nhưng còn thiếu một số giấy tờ cần bổ sung.
Mail đầu tiên ICA gửi vào địa chỉ email của mình. Trong đó có báo quy trình thực hiện trong vòng 6 tuần.
Mail thứ 2 mình nhận được thông báo trạng thái hồ sơ: đang được xử lý (receiving attention)
Một tháng sau mình mới nhận được email bổ sung giấy tờ.
Một tuần sau khi upload giấy tờ, mình nhận được email ICA đã nhận được hồ sơ bổ sung.
Đó là giấy chứng nhận kết hôn và giấy tờ chứng minh chồng mình đang là sinh viên. Tụi mình cảm thấy lạ vì những giấy này anh chồng mình đã submit. Lúc này tụi mình nghi ngờ, có thể mình dịch công chứng không hợp lệ. Sau khi tra cứu đủ mọi thứ trên Google, mình định đi làm hợp pháp hóa bản dịch ở Sở Ngoại vụ nhưng cuối cùng chồng mình bảo có thể do lúc đó anh upload bị thiếu sót nên thử upload lại xem sao.
Một tuần sau, mình nhận được mail ICA đã nhận được hồ sơ bổ sung.
Giai đoạn 3: Được duyệt, khám sức khỏe, bổ sung vaccinated nếu cần và nhận thẻ
Một tuần sau nữa, mình nhận mail ICA thông báo hồ sơ của mình đã được chấp thuận. Hai vợ chồng cần bổ sung thêm các giấy tờ sau:
-
Khám sức khỏe theo mẫu của ICA: gồm chụp X-ray và xét nghiệm HIV
-
Chứng nhận đã tiêm vaccine Covid-19 (những loại vaccine Singapore công nhận)
Một tuần sau nữa, mình nhận được email thông báo hồ sơ đã được chấp nhận. Mình upload tờ khám sức khỏe và in IPA là có thể qua Singapore.
Sau khi submit hai loại giấy tờ trên, mình nhận được mail có IPA (In-Principle Approval) và yêu cầu mình đặt lịch hẹn với ICA để lên lấy thẻ. Lúc đó là tháng 7 nhưng check thì thấy lịch full đến tháng 9. Dù vậy mình vẫn đặt vé máy bay và qua lại Singapore.
Đây là mẫu khám sức khỏe ICA yêu cầu. Nếu bạn muốn khám ở Việt Nam như mình, hãy chọn bệnh viện có mẫu kết quả bằng tiếng Anh hoặc song ngữ. Mình upload mẫu này (sau khi bệnh viện điền và đóng dấu) kèm theo 2 tờ kết quả chụp X-ray và xét nghiệm.
Mình còn 1 thủ tục nữa đó chính là hợp thức hóa giấy tiêm chủng vaccine ở Việt Nam để cập nhật lên hệ thống y tế ở Singapore. Trước đây, để làm được việc này mình phải đi xét nghiệm kháng nguyên (serogoly test) nhưng bây giờ bạn chỉ cần đến một cơ sở y tế bất kỳ, cung cấp passport và ID của mình trên Appointment cũng như giấy chứng nhận tiêm vaccine ở Việt Nam là được. Nhân viên sẽ chuyển trạng thái tiêm chủng cho bạn với mức phí $40.
Email trung tâm y tế ở Singapore chuyển kết quả tiêm chủng Covid-19 cho mình.
Vì mình gia hạn short-term pass online không được, nên tụi mình đã walk-in lên ICA để hỏi. Nhân viên hướng dẫn để tụi mình nhận thẻ luôn thay vì đợi đến lịch hẹn vào tháng 9. Vậy là xong, mình đã có thẻ trước 1 tháng đầy vất vả. Để tránh vất vả như tụi mình, mình có list ra ở nội dung phía dưới.
Bao lâu thì nhận được thẻ LTVP?
Trường hợp của mình hơi gian nan vì làm trúng giai đoạn nghỉ lễ của ICA nên nhận thư cũng lâu hơn và đặc biệt là đúng lúc Singapore mở cửa du lịch và đường bay sau 2 năm. Nhiều người Singapore có passport hết hạn nên ICA ưu tiên phục vụ công dân nước họ trước, sau đó mới đến người nước ngoài. Vậy nên quá trình xin LTVP của mình dài hơn đáng kể.
Bạn chuẩn bị tinh thần từ lúc chuẩn bị hồ sơ đến lúc cầm được thẻ là từ 2 đến 3 tháng, nếu đơn vị sponsor cho bạn tương tự như mình.
Chi phí xin thẻ LTVP 2022 là bao nhiêu?
Mình thống kê lại những khoản phí đã tốn:
-
Nộp hồ sơ: S$ 60
-
Gia hạn thẻ Short-time (nếu có): S$ 40
-
Phí làm thẻ Multiple Journey Visa: S$30
-
Khám sức khỏe ở Việt Nam: 700k ~ S$ 42
-
Tiền cập nhật trạng thái Vaccine ở Singapore: S$40
Tổng cộng khoảng: S$ 212
Một vài lưu ý để quá trình apply được nhẹ nhàng hơn
Phần này rất quan trọng, để tránh chờ đợi mệt mỏi như tụi mình, bạn có thể đọc qua tham khảo.
-
Xem lịch trước và tránh các ngày lễ khi submit hồ sơ.
-
Thường xuyên check email để không bị lỡ mail của ICA (check cả hộp thư quảng cáo và spam nhé)
-
LTVP là LTVP, Short term VP là Short term VP bạn đừng nhầm lẫn. Nếu chưa đến hạn nhận thẻ LTVP, bạn đang ở Singapore với thẻ Short Term thì cần tuân thủ quy định lưu trú 30 ngày. Gần hết hạn thẻ, bạn phải đi gia hạn. Nếu không bạn phải về nước, còn ở lại sẽ phải đóng phạt mệt nghỉ đó.
Email thông báo kết quả gia hạn short-term visa của mình. Thường mail sẽ có sau 24h submit. Như hình này là mình bị từ chối. Kinh nghiệm là bạn đừng gia hạn quá sớm. Hãy đợi đến cách deadline 2-3 ngày hãy submit.
-
Hãy walk-in lên ICA nếu làm thủ tục online không thành công.
-
Walk-in lên ICA cần đi thật sớm. Tuy ICA 8h sáng mới bắt đầu làm việc nhưng người đứng xếp hàng đã rất nhiều rồi đó. Mình đã mất khoảng 1 đến 2 tiếng chỉ để xếp hàng. Bạn nên đi cùng người thân để thay phiên nhau đợi đến số thứ tự. Hãy mang theo áo khoác vì máy lạnh ở đây rất lạnh và ít đồ ăn trong trường hợp đợi quá lâu như tụi mình.
Lượng người walkin lên ICA mỗi ngày rất đông, nhất là đầu tuần.
Bên trong khu vực xử lý hồ sơ tầng 4 ICA.
- Trường hợp collect thẻ LTVP trước lịch hẹn. Bạn walk-in lấy số và chuẩn bị tinh thần đợi từ 6-8 tiếng như mình. Vì ICA giải quyết hết số có appointment ngày hôm đó mới đến trường hợp walkin.
Mình đến lúc 8h sáng mà đến giờ vẫn chưa đến lượt.
In IPA và mang hết tất cả giấy tờ lên collect thẻ.
- Nếu chưa nộp ảnh thẻ và chứng nhận vaccine trên hệ thống MOH, lúc lên nhận thẻ bạn phải đưa cho nhân viên. Nếu không có, người ta không cấp thẻ cho bạn và bạn phải ra về hẹn hôm khác đến đấy.
Cơ bản thủ tục làm thẻ LTVP của mình là như vậy. Theo mình thấy nếu bạn có hồ sơ đầy đủ, đơn vị/cá nhân sponsor của bạn mạnh thì thủ tục cũng thuận lợi hơn. Hy vọng bài viết này có ích cho bạn, đỡ lo lắng hơn trong lúc chờ đợi hồ sơ được xử lý. Nếu có gì thắc mắc, đừng ngần ngại nhắn tin cho trang Vệ Giang Blog nhé!
Hình ảnh minh họa trong bài viết thuộc sở hữu của Vệ Giang’s Blog. Vui lòng không copy và sử dụng