Vừa học xong chuyên nghiệp, đại học.

Không muốn tiếp tục làm việc cho công ty đó nữa.

Tự mở bussiness nhưng không thành công.

Nếu ở ba hoàn cảnh trên, đa số đều đang muốn tìm một công việc phù hợp và có thu nhập như mong muốn. Vài tháng gần đây, mình có cơ hội tham gia tuyển dụng nhân sự mảng Marketing cho công ty, do đó có một vài cảm nhận, suy nghĩ muốn chia sẻ, hy vọng sẽ giúp ích được cho ai đó đang cần.

Mục lục

  1. Tìm việc làm là chuyện quan trọng, tuyệt đối đừng suy nghĩ và hành động sơ sài
  2. Chuẩn bị CV / Porfolio chu đáo
  3. Nộp CV như thế nào: Hãy tìm hiểu trước khi apply
  4. Bước vào vòng phỏng vấn: Thái độ quyết định cơ hội của bạn
  5. Bạn cần tìm việc, nơi tuyển dụng cần nhân sự
  6. Cởi mở, chân thành, tự tin thể hiện mình
  7. Sau phỏng vấn : Đạt hay không đạt? Và tiếp đó….
  8. Bạn bị từ chối không phải vì bạn thiếu năng lực
  9. Kết,

Tìm việc làm là chuyện quan trọng, tuyệt đối đừng suy nghĩ và hành động sơ sài

Hiện có nhiều trang việc làm trực tuyến phát triển như Vietnam Works, My Works, CareerBuilder giúp kết nối nhà tuyển dụng và ứng viên nhanh chóng hơn. Đồng thời nhiều công cụ trực tuyến hỗ trợ làm CV hay Porfolio cho ứng viên đơn giản hơn nhiều. Tuy vậy, không phải ai cũng tận dụng tối đa những tiện ích này khi tìm kiếm việc làm.

Chuẩn bị CV / Porfolio chu đáo

Đầu tiên là chăm chút CV đúng mực. Nếu như trước kia, các ứng viên trình bày có vẻ đơn giản trên file word, dạng kẻ bảng như tờ khai Sơ yếu lý lịch, thì giờ đây các bạn trẻ có xu hướng trang trí cho CV của mình bắt mắt hơn, tuy nhiên cái cốt lõi thì còn bỏ ngõ. Nhiều ứng viên sa vào giới thiệu bản thân và mong muốn nguyện vọng thái quá.

Mẫu template CV trên Word Chỉ cần mở MS Word ra, bạn có thể chọn và tự điều chỉnh CV theo ý muốn

Đơn cử với ngành Marketing, một CV cần đáp ứng những yêu cầu:

Cơ bản:

1/ Thông tin cá nhân: Hình đại diện, ngày tháng năm sinh, địa chỉ lưu trú hiện tại, địa chỉ email, số điện thoại.

2/ Quá trình học tập: Ngành nghề được đào tạo, các chứng chỉ liên quan đi kèm thời gian học

3/ Quá trình làm việc: Tên công ty, thời gian làm việc, vị trí công việc đảm nhiệm, thành tích (nếu có)

Điểm cộng:

Ngoài yếu tố, ứng viên có kinh nghiệm ở vị trí tương đương, CV ngắn gọn, đầy đủ thông tin, hình đại diện tươi tắn có màu sắc riêng cũng là điểm cộng cho ứng viên, thu hút nhà tuyển dụng hơn.

Đối với sinh viên mới ra trường hoặc quá trình làm việc full time chưa có, làm sao để CV trông “đầy” hơn?

Kinh nghiệm dành cho bạn, đó là hãy viết chi tiết hơn về quá trình học tập của bạn: Những hoạt động, dự án học thuật (liên quan đến ngành nghề) bạn đã tham gia hay các hoạt động xã hội khác.

Để nhà tuyển dụng thấy được bạn đã có nhiều trải nghiệm khi còn là sinh viên. Ngoài ra, thời điểm đi thực tập hay đi thực tế tại các công ty, cơ quan bạn nên list ra chi tiết như phần 3 “ quá trình làm việc”.

Chỉ với 2 điểm này thôi, cũng giúp CV của ứng viên mới ra trường đỡ sơ sài và trông thu hút hơn.

CV tìm việc _Hãy trình bày CV thật ngắn gọn, đúng trọng tâm. Nguồn ảnh: (*)__

Tiện đây mình cũng khuyên các bạn đang theo học đại học/ cao đẳng. Hãy tận dụng tối đa thời gian đang đi học để trau dồi thật nhiều kiến thức, năng nổ tham gia các hoạt động liên quan đến lĩnh vực mình muốn làm việc sau này.

Đừng xem nhẹ thời gian đi thực tập, hãy làm việc với tác phong như thể bạn đang đi làm full time vậy. Lúc đó bạn sẽ hiểu được vị trí công việc và thể hiện tốt hơn trong CV cũng như lúc phỏng vấn.

Cá nhân mình không phản đối sinh viên đi làm parttime. Nếu có thể, bạn hãy chọn công việc làm thêm phù hợp với ngành học của bạn, hoặc lĩnh vực bạn muốn làm việc sau này.

Thực tế tuyển dụng, mình đánh giá cao ứng viên Copywriter tuy mới ra trường nhưng có thời gian cộng tác viết nội dung cho báo hay website, hơn là ứng viên cũng mới ra trường nhưng chưa từng làm việc gì liên quan đến viết lách nội dung, kinh nghiệm làm parttime ở nhà hàng, quá cà phê lúc này không có ý nghĩa.

Nộp CV như thế nào: Hãy tìm hiểu trước khi apply

Đầu tiên, mách bạn 4 cách tìm được thông tin tuyển dụng vị trí như mong muốn:

1/ Nộp CV ở các tin đăng tuyển trên các trang trực tuyến: Vietnam Works, My Works, CareerBuilder, TopCV, Timviecnhanh,…

2/ Tải CV của mình lên các trang tuyển dụng (như trên), tạo tài khoản trên https://www.linkedin.com/ và đợi nhà tuyển dụng liên hệ.

3/ Tìm các group cộng đồng của ngành đó trên Facebook và follow tin tuyển dụng.

4/ Nộp trực tiếp CV của mình trên Website công ty, doanh nghiệp cụ thể bạn muốn làm việc.

Nếu bạn muốn mau chóng tìm được việc hay thực hiện đồng thời cả 4 cách trên nhé!

Tìm việc làm Nguồn ảnh: (*)

Trước hàng loạt các mẫu tin tuyển dụng, bạn lựa chọn nơi apply như thế nào hay là nộp hết ? Ngoài cách thứ 4 – Khi bạn đã xác định rõ ràng nơi mong muốn làm việc, với 3 cách còn lại bạn cần có tiêu chí rõ ràng. Nhưng trước hết , theo mình, chính bản thân bạn cần xác định rõ các ý sau:

Năng lực của bạn: Junior hay Senior ? Cần được đào tạo hay có thể làm việc độc lập, tự xây dựng / quản lý team riêng.

Đơn vị/ công ty lớn lâu năm hay startup?

Nếu đã có kinh nghiệm đi làm từ 1 – 2 năm, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Trường hợp bạn chưa đi làm, mới tốt nghiệp hoặc muốn chuyển lĩnh vực, bạn cần hạ thấp tiêu chí hơn 1 xíu ( Công ty, phúc lợi, lương bổng,…), trọng tâm nhất vẫn là môi trường cởi mở, bạn được đào tạo và có nhiều cơ hội rèn luyện kĩ năng để tiến bộ hơn.

Trước khi nhấn apply vào mẫu tin tuyển dụng nào đó, bạn cần tìm hiểu kỹ và trả lời được các câu hỏi sau:

  • Công ty/ tổ chức đó ở đâu? Thành lập từ năm nào? Kinh doanh/ thuộc lĩnh vực nào? Quy mô nhân sự?

  • Vị trí tuyển dụng: Yêu cầu & mô tả công việc

  • Số lượng nhân viên cho vị trí này? Hạn chót nhận hồ sơ?

Trả lời được những câu hỏi này rất có lợi cho bạn, vừa tránh mất thời gian cho đôi bên, vừa chiếm ưu thế khi phỏng vấn vì bạn được đánh giá cao hơn khi tìm hiểu kỹ thông tin công ty.

Lưu ý: Tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp khá đơn giản, chỉ cần search trên Google, lượn 1 vòng qua website và Fanpage của công ty đó cũng đủ rồi.

Bước vào vòng phỏng vấn: Thái độ quyết định cơ hội của bạn

Sau khi đã nộp CV, chỉ từ 2- 3 ngày nếu nơi tuyển dụng thấy hồ sơ của bạn tiềm năng sẽ hẹn bạn phỏng vấn. Thường thì quy trình tuyển dụng trải qua từ 2 – 3 vòng: Xét CV – Test năng lực/ Phỏng vấn vòng 1 – Phỏng vấn vòng 2 tuỳ vào công ty.

Bạn sẽ được giới thiệu ngay trong thư mời hoặc trong vòng phỏng vấn đầu tiên. Ở vòng phỏng vấn, bạn hãy cho nhà tuyển dụng thấy được thái độ chuyên nghiệp nhất của bạn.

Lưu ý: Theo kinh nghiệm tìm việc và phỏng vấn của mình, nếu bạn đã nộp hồ sơ từ 3 – 4 ngày mà chưa thấy hồi âm hoặc sau buổi phỏng vấn 2 – 3 ngày mà cũng không thấy công ty đó liên hệ lại, thì bạn hãy tìm cơ hội khác, đừng tốn thời gian chờ đợi.

Bạn cần tìm việc, nơi tuyển dụng cần nhân sự

Phỏng vấn chẳng qua là bước để bên tuyển dụng xem thử ứng viên có phù hợp với vị trí cần tuyển hay không. Đồng thời, người tìm việc cũng xem mình có hợp với công ty này hay không. Vì quyền lợi ngang nhau nên bạn hãy tự tin và bình tĩnh nhất có thể nhé !

Phỏng vấn xin viêc Phỏng vấn tuyển dụng nhân viên. Ảnh: Vân Tay Media

Cởi mở, chân thành, tự tin thể hiện mình

  • Nếu làm bài test trên giấy : Hãy cố gắng viết rõ ràng nhất, đừng làm qua loa, lấy lệ.

  • Trả lời câu hỏi phỏng vấn : Ngắn gọn, đúng trọng tâm, nếu chưa rõ câu hỏi bạn có thể hỏi lại nhà tuyển dụng trước khi trả lời.

Với những câu hỏi gợi mở: Ví dụ: “Bạn đã tìm hiểu về công ty chúng tôi chưa?’ Thay vì chỉ trả lời : “Dạ có”, rồi im lặng. Bạn hãy nói luôn bạn biết gì về công ty mà không cần đợi người phỏng vấn hỏi thêm.

  • Chú ý ngôn ngữ hình thể: Những cử chỉ dường như vô thức của bạn như không nhìn thẳng, xoa ngón tay, cầm lên đặt xuống hồ sơ… “tố cáo” bạn đang bối rối, không tự tin.

  • Hãy là người lịch sự: Trả lời email mời phỏng vấn đầy đủ, đến đúng giờ hẹn, trang phục lịch sự nhã nhặn, cảm ơn khi được mời nước, mở cửa hay kéo ghế về chỗ cũ sau khi đứng dậy ra về… cũng khiến bạn tạo được cảm tình với người phỏng vấn bạn.

Lưu ý: Dù công ty nhỏ hay lớn, mình nghĩ mỗi lần phỏng vấn sẽ cho bạn thêm nhiều cơ hội. Bạn được nhiều hơn là mất: Được gặp gỡ người có kinh nghiệm hơn, trao đổi với người lạ khiến bạn thêm dạn dĩ, rút ra được điểm thiếu xót,… Do đó, đừng thể hiện thái độ hời hợt khi đi phỏng vấn, thái độ này sẽ làm hạn chế đi cơ hội của bản thân nhiều lắm đấy.

Sau phỏng vấn: Đạt hay không đạt? Và tiếp đó…

Kết thúc cuộc phỏng vấn ra về, ngoài việc đợi kết quả, bạn nên làm gì thêm nữa? Theo mình, bạn nên viết một mail cảm ơn như một phép lịch sự. Việc này rất phổ biến trong văn hoá công sở ở các nước Âu, Mỹ, nhưng ở Việt Nam thì còn nhiều bạn chưa biết.

Mail cảm ơn còn giúp bạn nhắc cho nhà tuyển dụng nhớ về bạn trong hàng chục ứng viên đã phỏng vấn. Riêng mình, nhiều lúc rảnh rỗi, ứng viên mail cảm ơn + hỏi một số vấn đề trong buổi phỏng vấn mình đều vui vẻ dành ít thời gian để reply nữa đấy.

Bạn bị từ chối không phải vì bạn thiếu năng lực

Sau buổi phỏng vấn, nếu bạn không thấy hồi âm hoặc nhận được thông báo không đạt, hãy tiếp tục tìm kiếm cơ hội khác. Đừng buồn ! Chẳng qua bạn chưa phù hợp với vị trí đó mà thôi.

Hãy đặt mình vào vị trí người tuyển dụng bạn sẽ hiểu rõ hơn. Họ đang muốn tìm kiếm ứng viên có năng lực làm việc độc lập, bắt tay vào công việc ngay thì bạn – đang ở mức junior sẽ không được chọn. Trường hợp họ đang tìm ứng viên không cần nhiều kinh nghiệm với mức lương vừa phải thì bạn – đang ở mức senior với mức lương cao sẽ không phù hợp.

Do đó, nếu trải qua nhiều lần phỏng vấn, tìm việc bạn sẽ tự mình “ngộ ra” và điều chỉnh tâm trạng, thái độ cũng như bồi dưỡng năng lực để đáp ứng được nhu cầu công việc tốt nhất.

Thất bại để thành công hơn Ảnh: Brett Jordan

Kết,

Mình nghĩ, mỗi cơ hội gặp gỡ trên đời này đôi khi còn có chữ “duyên” trong đó, chọn nơi làm việc cũng vậy. Nhiều trường hợp, công ty phỏng vấn rất thích ứng viên, hẹn vòng 2 để gặp giám đốc trao đổi công việc để bắt đầu làm, thì bạn ấy không đến. Lần khác, một bạn đã trải qua các vòng tuyển dụng, được nhận và đã confirm mail mời bắt đầu công việc nhưng đến ngày đi làm thì từ chối vì bạn chọn công ty khác.

Tương lai là điều không ai biết trước được. Cá nhân mình, những công ty đặt kỳ vọng nhiều, khi bắt đầu công việc lại không như tưởng tượng, còn công ty lúc đầu mình không đánh giá cao lại khiến mình thấy ngạc nhiên khi vào làm.

Do đó, điều mình muốn gửi đến các bạn trẻ đang tìm kiếm công việc như mình, hãy chuẩn bị thật đầy đủ, phong thái hào sảng tự tin, đừng đánh giá thấp cơ hội, hãy tận dụng nó, may mắn sẽ đến với bạn.

Và điều cuối cùng trong chủ đề này mình muốn nhắn nhủ bạn: Đừng chỉ tìm kiếm 1 công việc ổn định, hãy trau dồi năng lực của mình giỏi ổn định. Dù thị trường hay công ty thay đổi, bạn sẽ vẫn vững vàng trên con đường mình đi thôi.

Hãy đón đọc thêm những chia sẻ kinh nghiệm hữu ích khác trên vegiang.com nhé !

(Sài Gòn, Ngày 20 tháng 12 năm 2019)

*Photo/Ảnh: Hình ảnh này không thuộc bản quyền của mình và mình cũng không biết chính xác chủ sở hữu. Nếu đơn vị sở hữu không muốn mình sử dụng, vui lòng liên hệ với mình qua email: tranhuongvegiang@gmail.com, mình sẽ xóa hình ngay lập tức. Xin chân thành cảm ơn. (If any owner has an issue with any of this photo please get in contact (mail: tranhuongvegiang@gmail.com) and it will be deleted immediately.)