Khi bài viết và hình minh họa trên website mà bạn dành nhiều tâm huyết để tạo ra bắt đầu có người xem, cũng là lúc có người copy một ít hoặc hoàn toàn nội dung đó đem về đăng tải lên kênh của họ mà không xin phép bạn. Việc đó, nói ngắn gọn, là ăn cắp nội dung kỹ thuật số. Vậy khi phát hiện ra việc này, bạn sẽ làm gì?

Mục lục

  1. Làm sao để biết được có người lấy nội dung website của mình mà không xin phép?
  2. Phải làm gì khi biết được nội dung của mình bị copy?
  3. Cách để khắc phục tình trạng bị đánh cắp nội dung
  4. Chuyện nội dung trên blog Vegiang.com bị copy

Làm sao để biết được có người lấy nội dung website của mình mà không xin phép?

Cá nhân mình sử dụng các cách sau để xem có ai sao chép bài viết của mình hay không:

  • Kiểm tra thứ hạng từ khóa của bài viết:

Nếu bài viết của bạn đang ở thứ hạng 3, bạn click vào xem bài viết hạng 1 và 2 hay hạng 5,6 bất kỳ để kiểm tra nha.

  • Bài viết tự nhiên bị giảm traffic và tụt thứ hạng bất thường

Đây cũng là dấu hiện nhận biết trên công cụ tìm kiếm khi có vài website có nội dung giống của bạn.

  • Copy một đoạn văn bất kỳ và paste vào thanh công cụ tìm kiếm của Google

Chú ý vào kết quả Google trả về. Nếu bạn thấy có 1 đoạn văn in đậm ngoài bài viết của bạn ra thì đó là bài đã lấy nguyên đoạn văn của bạn.

Tự tìm kiếm 1 đoạn content của mình trên Google Tự tìm kiếm 1 đoạn content của mình trên Google

  • Tìm kiếm bằng Google hình ảnh

Từ hình ảnh bạn có thể tìm được bài viết copy 100%. Bạn chỉ cần tải 1 hình ảnh minh họa trong bài viết (hình này buộc phải là của bạn) hoặc copy url của hình và dán vào Google hình ảnh rồi nhấn Enter.

Hình ảnh trên website click chuột phải để lấy URL Hình ảnh trên website click chuột phải để lấy URL

Dán URL hình ảnh vào thanh tìm kiếm của Google Hình ảnh Dán URL hình ảnh vào thanh tìm kiếm của Google Hình ảnh

Kết quả thu được từ Google hình ảnh Đây là kết quả mình lấy ví dụ bài viết Thăm quan Dinh Độc Lập của mình. Như bạn đã thấy, có 4 website lấy hình và bài viết này.

  • Kiểm tra backlink

Bạn vào tài khoản Google Search Console, click vào phần Liên kết để kiểm tra xem có bên nào đặt link website của bạn ở website của họ hay không. Nhiều khi do copy nguyên si và không để ý internal link của bài gốc nên thành ra vô tình đặt backlink cho web của bạn.

Kiểm tra backlink để website mình có bị ảnh hưởng gì từ website khác hay không Kiểm tra backlink để xem website mình có bị ảnh hưởng gì từ website khác hay không

Phải làm gì khi biết được nội dung của mình bị copy?

Hãy report cho Google, nếu bài viết bị sao chép hoàn toàn. Ngoài ra tùy vào mức độ “tham khảo” của đối phương mà bạn có biện pháp tương ứng.

Cách để report cho Google khi phát hiện bài viết bị sao chép như sau:

Report cho Google về bản quyền

Theo dõi trang tổng quan xóa

Google sẽ email cho bạn để thông báo về yêu cầu bạn gửi, do đó bạn nên điền email mình dùng thường xuyên để không bị lỡ thông tin.

Cách để khắc phục tình trạng bị đánh cắp nội dung

Hãy trang bị cho website của mình những ứng dụng hoặc chức năng sau:

  • DMCA : Bản trả phí hay Free đều được. Bạn đăng kí tài khoản và làm theo hướng dẫn của website. Khi được DMCA bảo vệ, bạn sẽ chứng minh được nội dung của bạn là lần đầu tiên đăng tải lên Internet.

Cài đặt DMCA để bảo vệ nội dung số do mình tạo ra

  • Cài đoạn code khóa thao tác Bôi đen + Chuột phải + Copy: Lưu ý cách này cũng khiến người đọc khó chịu khi muốn copy địa chỉ hay từ khóa để research thêm thông tin.

  • Đăng ký sở hữu bản quyền và thuê luật sư bảo trợ pháp lý: Này là biện pháp của người có hầu bao dư dả, nhưng thực tế đây là biện pháp tốt nhất.

Còn làm thể nào để giảm tình trạng bị sao chép nội dung thì câu trả lời là không có cách nào cả. Mình không thể nào ngăn cản người khác có ý định ăn trộm được. Chỉ có cách tự bảo vệ mình mà thôi. Nhiều anh chị em đi trước đã an ủi mình rằng: Sản phẩm copy sẽ không bao giờ hơn được bản gốc và sớm muộn rồi cũng “bay màu”. Quan trọng mình vẫn tiếp tục công việc làm nội dung sạch và chất lượng cho bạn đọc của mình là được rồi.

Và bên dưới là câu chuyện vì sao mình viết bài chia sẻ này.

Chuyện nội dung trên blog Vegiang.com bị copy

Mình viết bài này trong tâm trạng cực kỳ tức giận. Đáng lẽ mình không nên lan tỏa cảm xúc tiêu cực này cho bạn đọc nhưng mình nghĩ đây là bài học cho mình, cũng là kinh nghiệm dành cho bạn nào đang trên hành trình muốn trở thành nhà sáng tạo nội dung.

Việc nội dung trên blog này bị người khác sao chép không có gì lạ với mình. Bình thường người ta thấy mình report sẽ lặng lẽ xóa bài đã copy đó đi và mình cũng không muốn làm to chuyện. Nhưng đây lần đầu tiên mình gặp trường hợp mà bên lấy nội dung đã lợi dụng điểm yếu là blog của mình mới lập và chưa cài đặt các công cụ bảo trợ bản quyền nội dung, rồi bảo rằng đó là nội dung của họ khi mình report.

Cụ thể,

Ngày 01/07/2022, như thường lệ mình kiểm tra và thấy rằng bài viết https://vegiang.com/banh-xeo-quang-ngai/ bị copy 100%. Link bài copy: https://tmsquynhon.com.vn/banh-xeo-quang-ngai-1637767696 - Mình tạm gọi là link A và chủ link là B.

Bài viết của mình bị sao chép

Bài viết copy ở phiên bản mình chưa chỉnh sửa nên còn sai chính tả tùm lum.

Đoạn footer không đọc kỹ vẫn còn tên blog của mình. Chưa kể, họ translate đoạn tiếng Anh sang tiếng Việt “phèn” không chịu nổi.

Mình report với Google để Google xóa kết quả tìm kiếm của bài copy này đi. Cách report mình đã giới thiệu ở bên trên.

Ngày 14/07/2022, Google phản hồi rằng: B đã “kháng” report của mình, cho rằng họ mới chính là chủ nhân của nội dung bài viết. Nội dung kháng cáo - ảnh bên dưới, Google có trích nguyên lại cho mình.

Mail phản hồi đầu tiên của Google

Nội dung Google trích lại

“Đây là nội dung của tôi biên soạn, tôi không rõ vì lý do gì mà nội dung của tôi đã bị người khác đánh cắp và xảy ra vấn đề như này. Tôi mong được xem xét và xử lý. Cám ơn rất nhiều.”

Đọc đến dòng này, máu mình bắt đầu sôi lên. Thực sự nếu không thể chửi bậy thì mình không còn gì để nói. Quá là vô sỉ! Bạn biết không, mình không thể làm được gì. Vì những gì Google đòi hỏi, mình chưa có. Vừa giận vừa buồn, chắc ai làm nội dung chân chính sẽ hiệu được tâm trạng của mình. Bài viết này chất chứa kỷ niệm tuổi thơ về một món ăn đặc sản quê hương mình. Trong bài có hình ảnh của người thân mình chụp, bản thân mình đi ăn ở quán chụp lại và rồi đợt giãn cách xã hội vì Covid-19, hai chị em mình tự xay gạo cứu trợ rồi tự làm bánh.

Mình đã định quên đi. Cho đến ngày 28/07/2022, mình nhận được mail của Google, nói rằng người B đã gửi DMCA counter notification chứng minh họ là người đăng tải đầu tiên nội dung này. Hỡi ơi! Website của mình chưa cài DMCA các bạn ạ.

Mail tiếp theo của Google

Lúc này mình tức lắm rồi. Mình phải có động thái thôi.

Đúng là người xấu thì xấu đến cùng. Dựa vào mail của Google, mình bắt đầu tìm kiếm: B là ai ?

Và mình đã phát hiện ra chuyện thú vị sau:

Tên công ty và chủ sở hữu là giả mạo. Địa chỉ trên domain của link A là một homestay ở Quy Nhơn. B thực ra là một công ty quảng cáo ở Ninh Thuận. Chính email liên lạc đã chính tỏ điều đó. Domain chính của B là nguyenvanphung.com. B mua những domain na ná thương hiệu có sẵn rồi copy bài viết nhằm có traffic và thu tiền quảng cáo.

Mình đã gửi tin nhắn cho B. Đến giờ vẫn chưa được phản hồi dù B đã xem. Mình viết bài này và còn một số bài khác nữa “để dành” nếu B không gỡ link A đó và xin lỗi mình.

Chuyện của mình là như vậy. Đó cũng là lý do vì sao mình lại viết chủ đề này trước. Hy vọng các bạn sẽ không mắc sai lầm như mình. Hãy bảo vệ sản phẩm kết tinh từ chất xám và tâm huyết của chính bản thân, bạn nhé!

*Nguồn ảnh đại diện: recruitingdaily.com